Trong bối cảnh hiện nay, cần phải có ngay quyết sách để tránh cho nền kinh tế không bị tổn thương nếu có bất trắc xảy ra. Đó là quan điểm chung của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đã trao đổi làm rõ thêm vấn đề này.
- Phóng viên: Nhiều ý kiến nói rằng trong họa có phúc, trong rủi có may, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển hướng. Ông nhận định ra sao?
>> TS TRẦN DU LỊCH: Bối cảnh hiện nay cho thấy cần phải thay đổi cơ cấu về nguồn nguyên liệu, phải xử lý bài toán về nông - ngư nghiệp. Nói cách khác, những lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như dầu khí, nông nghiệp, thủy sản, ngư nghiệp... phải có bàn tay của nhà nước để cơ cấu lại. Ví dụ như tại sao không nghĩ đến việc đóng tàu cho ngư dân thuê đi biển, có bảo hiểm cho họ, nếu tàu có bị xâm hại thì ngư dân cũng không mất tài sản. Hoặc phải có chính sách đầu tư đồng bộ cho công nghiệp hóa dầu để giải quyết bài toán nguyên liệu.
Riêng công nghiệp hỗ trợ có thể hỗ trợ tích cực cho ngành dệt may. Dệt may có rất nhiều ngành công nghiệp phụ trợ, chứ không chỉ là sợi. Hoặc có thể có chính sách nhập bông ở những nước khác để chúng ta làm sợi. Hay làm cúc áo, cổ áo đâu cần phải đi nhập? Những nguyên liệu như vậy chúng ta hoàn toàn phát triển được, để giảm dần sự lệ thuộc. Còn ngành điện tử, hiện chúng ta nhập gần như toàn bộ linh kiện của Trung Quốc về lắp ráp. Tại sao các khu công nghệ cao không thể gánh việc này? Đây là chỗ Nhà nước phải làm.
Kinh tế Nhà nước chủ đạo chính là làm những việc này, chứ không phải là đi cạnh tranh với những cái, những lĩnh vực mà tư nhân họ đã làm. Nhà nước phải dùng tiền đi làm những thứ mà tư nhân không làm. Tôi đã từng nói rằng bán sữa Vinamilk đi để lấy tiền làm việc khác, mà đó vẫn là của Nhà nước. Ở TPHCM tôi đã từng đề xuất bán hết các khách sạn để lấy tiền làm khu công nghệ cao. Công nghệ cao cũng lấy tiền ngân sách, trong khi khách sạn để làm gì? Tư duy chúng ta cần phải thay đổi như vậy. Thay đổi là được!
- Trong trường hợp vấn đề biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, Trung Quốc có những động thái tiêu cực về thương mại thì theo ông, nền kinh tế có xoay xở được không?
Đã có ý kiến lo sẽ có sự trừng phạt kinh tế ở đây. Tôi cho rằng đừng sợ trừng phạt. Việt Nam đã từng trải qua cú sốc lớn nhất vào năm 90 - 91, khi Liên Xô sụp đổ, ta mất hoàn toàn khối tương trợ kinh tế. Cú sốc này chúng ta vẫn thoát được thì không có gì phải lo lắng về cú sốc nào khác. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, trong họa có phúc, đây là cơ hội để chúng ta chuyển hướng nền kinh tế để giảm bớt sự phụ thuộc. Lâu nay chúng ta phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, kể cả vấn đề đấu thầu. Xã hội và các chuyên gia đã lên tiếng rất nhiều nhưng chúng ta vẫn chủ quan. Bây giờ tình hình thế này thì thấy rằng, không có con đường nào khác. Vì vậy, tôi nói trong họa có phúc là như vậy.
- Để đỡ bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chúng ta phải chuyển hướng, nhưng có nhanh không?
Nguyên liệu phụ thuộc giá thành, chứ không đơn thuần chỉ là thay đổi không nhập nước này thì nhập nước kia. Không ngẫu nhiên chúng ta lại nhập nhiều từ Trung Quốc vì liên quan đến giá thành. Về nguyên liệu, trước khi nghĩ đến việc chuyển hướng sang thị trường khác, hãy nghĩ đến thị trường trong nước đã. Với các tiềm năng, lợi thế, nhất là về nông nghiệp, tôi không nghĩ rằng Việt Nam lại không có lợi thế về nguyên liệu. Vấn đề là công nghệ có vào được hay không thôi; phương thức tổ chức sản xuất thế nào? Vì thế bàn chuyện chuyển hướng thị trường, ngay đầu tiên ta phải nghĩ đến thị trường trong nước về vật tư nguyên liệu, về công nghiệp hỗ trợ.
Đừng nghĩ là chúng ta “nhảy” từ thị trường Trung Quốc sang Mỹ, sang Anh… Cái đầu tiên là phải nghĩ đến thị trường Việt Nam, lâu nay chúng ta đã bỏ quên. Cũng như vấn đề thương mại, lâu nay chúng ta quan tâm quá nhiều đến thị trường xuất khẩu mà bỏ qua thị trường nội địa, để các nước khác đến khai thác. Vì thế, tôi cho rằng đây là cơ hội để chúng ta lấy lại thị trường trong nước. Dĩ nhiên có một số mặt hàng chúng ta phải xuất khẩu thì có lợi hơn.
Tóm lại, dù quan hệ giữa 2 quốc gia có tốt hay xấu thì vẫn không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Việt Nam đang chuyển từ một nền công nghiệp gia công sang sản xuất thì cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa thị trường chứ không nên cứ mãi gia công dựa trên nguyên liệu Trung Quốc.
Hàng hóa Trung Quốc tác động đến chúng ta chủ yếu là nguyên liệu thôi, và phải có cách để xử lý. Còn với hàng tiêu dùng thì tôi cho là không quan trọng, vì người Việt Nam hiện nay đã chuộng hàng Việt Nam. Sản phẩm của Việt Nam chỉ tốt khi tự nó đứng vững trên thị trường nội địa. Người Hàn Quốc và Nhật Bản rất mạnh về tinh thần dân tộc khi sử dụng sản phẩm nội địa. 97% người giàu Hàn Quốc dùng ô tô trong nước mà không dùng sản phẩm nước ngoài. Nếu chúng ta xây dựng được tinh thần như vậy mới tốt chứ không phải là bài hàng Trung Quốc.
- Xin cảm ơn ông!
PHAN THẢO