Cơ hội định vị “mắt xích” TPHCM


Một báo cáo dựa trên khảo sát toàn diện của Allianz Trade gần đây đã chỉ ra 7 nước: Mexico, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và Malaysia ở vị trí tốt nhất để nhận chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc theo chiến lược “friendshoring” của Mỹ. 

Việt Nam - một trong 7 nước ở vị trí tốt nhất để nhận chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc theo chiến lược “friendshoring” của Mỹ
Việt Nam - một trong 7 nước ở vị trí tốt nhất để nhận chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc theo chiến lược “friendshoring” của Mỹ

Theo đó, Mỹ và các đồng minh đang xem xét những “đối tác” tiềm năng cho chiến lược định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ khởi xướng thông qua các đồng minh.

Bước chuyển dịch này là cơ hội cho Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng với cả hai “tư cách” là thị trường sản xuất lẫn thị trường tiêu thụ. 

Tất nhiên, trong nhóm 7 nước nói trên cũng có sự cạnh tranh mạnh mẽ để chiếm lĩnh vị thế tiềm năng, bền vững cũng như với những đối tác lớn, độc lập khác của Mỹ. Ấn Độ là một thách thức điển hình.

Dù không nằm trong nhóm 7 nước theo báo cáo của Allianz Trade nhưng Ấn Độ là một điểm đến quan trọng cho dòng chuyển đổi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Với dân số đông ngang bằng Trung Quốc, cũng là một trong số ít quốc gia “phân xưởng của thế giới”, liên tục gặt hái thành tựu trong lĩnh vực sản xuất phần mềm và công nghiệp nặng. Chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi lại có nhiều chính sách thu hút quyết liệt để đón dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Vì thế, ưu thế của Ấn Độ so với các nước Đông Nam Á đơn lẻ là rất lớn, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực đón đầu cơ hội mạnh mẽ và thực chất nhất có thể.

Tại TPHCM, theo số liệu thống kê giai đoạn 2016-2020, 5 ngành trọng tâm hàng đầu của thành phố (tính theo tỷ trọng của nền kinh tế và tăng trưởng mỗi năm) lần lượt là công nghiệp chế biến; thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ; vận tải kho bãi, logistic; tài chính bảo hiểm ngân hàng và thông tin truyền thông. Nếu thứ tự này chưa thay đổi, muốn biết kịch bản tăng trưởng năm 2023 (và giai đoạn 2023-2025) thành công hay không phải dựa vào tăng trưởng của 5 ngành trọng tâm này (cùng một số ngành khác đứng hạng tiếp theo như khoa học - công nghệ; xây dựng; kinh doanh bất động sản).

Dĩ nhiên, ngành công nghiệp chế biến với tín hiệu tăng tốc đã và đang góp phần vào khả năng “tái định vị” ngành công nghiệp chủ lực thành phố sẽ phải tiếp tục nâng cấp lên thành chuỗi giá trị với khả năng tự chủ công nghệ, nguồn nguyên liệu và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để ổn định thị trường, nâng cao giá trị gia tăng trên từng thành phẩm. Đây cũng chính là mục tiêu hướng đến của các Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung cùng với kế hoạch nâng cấp từng bước các khu chế xuất - khu công nghiệp trong điều kiện, bối cảnh mới.

Ngoài ra, theo tỷ trọng và định hướng phát triển, TPHCM không thể nào đứng riêng lẻ. Với quản trị thành phố tầm xa, TPHCM tất yếu phải là một “cửa ngõ” của kinh tế vùng trọng điểm phía Nam. Tầm nhìn và hướng đầu tư phát triển này đã được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu rõ trong 7 đề xuất tại Hội nghị tổng kết phát triển TPHCM - Đông Nam bộ.

Trong đó, đồng chí nhấn mạnh tính liên kết, bao gồm liên kết giao thông vùng, liên kết bảo vệ môi trường, liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của toàn vùng…; đồng thời tập trung đầu tư để TPHCM là “nhạc trưởng” để xây dựng, vận hành một Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm Logistics; trung tâm khoa học đổi mới sáng tạo; trung tâm CSSK, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế; thực hiện chương trình chuyển đổi số.

Liên kết trên nền tảng “phân vai” theo từng ưu thế cạnh tranh để TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Đông Nam bộ nói riêng, Việt Nam nói chung; với cơ chế điều hành chặt chẽ, minh bạch sẽ là tích tụ nội lực rộng lớn, mạnh mẽ để đón nhận dòng dịch chuyển thị trường, biến những thách thức thành cơ hội nâng cấp chất lượng sản xuất, định vị mắt xích Việt Nam - TPHCM trên chuỗi thị trường kinh tế khu vực và toàn cầu thời hậu đại dịch.

Tin cùng chuyên mục