Cơ hội hướng tới phát triển bền vững

Trong bối cảnh hậu quả do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra ngày càng trầm trọng, thế giới đã và đang nỗ lực loại bỏ những ngành công nghiệp lạc hậu vô tư xả khí và chất thải độc hại ra môi trường. Bước tiến mới nhất là vào ngày 22-4 vừa qua, 171 quốc gia đã chính thức ký kết Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (COP 21). Đây được xem là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu bước đi quan trọng đầu tiên nhằm đưa những cam kết quốc tế đi vào thực hiện thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020.

Trong lúc này và nhiều năm tới, khắp nơi trên thế giới từng ngày, từng giờ vẫn đang đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan như nước biển xâm thực, khô hạn và nắng nóng kéo dài, lũ lụt triền miên... Điều đáng nói là tác động của biến đổi khí hậu là từ chính con người gây ra, nhất là từ các ngành công nghiệp.

Hơn bao giờ hết, việc ứng xử văn minh và thân thiện với môi trường trở thành yếu tố cốt lõi trong đạo đức kinh doanh. Các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khai thác than đá và các ngành luyện kim đang đứng trước sức ép phải đổi mới công nghệ hoặc đóng cửa khi COP 21 bắt đầu có hiệu lực. Vì vậy, muốn hay không, nhiều ngành công nghiệp buộc phải thay đổi nhanh chóng để tồn tại. Thật đáng mừng là xu hướng trên thế giới đầu tư vào năng lượng tái tạo đang tăng nhanh hơn đầu tư vào năng lượng truyền thống. Những ngành công nghiệp phải dựa vào các nguồn năng lượng truyền thống đang đứng trước sức ép rất lớn. Nhưng không còn cách nào khác trừ khi phải dùng đến chiêu trò gian lận.

Điều đáng nói là sự gian lận không chỉ từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nói trên mà cả ngành công nghiệp xe hơi. Vụ bê bối của Công ty Ô tô Đức Volkswagen (VW) lắp phần mềm gian lận khí thải vào hàng loạt dòng xe hồi năm 2015 chưa chấm dứt thì nay có thêm nghi vấn về hành động tương tự của hàng loạt hãng xe khác.

Hãng Daimler đầy uy tín của Đức vào đúng ngày thế giới tập trung ở New York ký kết Nghị định COP 21 cho biết họ đang tiến hành điều tra theo yêu cầu của Mỹ về tiêu chuẩn khí thải của các loại xe nổi tiếng của hãng này như Mercedes-Benz. Ngay lập tức, Daimler công bố sụt giảm lợi nhuận 31% trong quý 1-2016. Trong tuần qua, tập đoàn ô tô danh tiếng của Nhật Bản Mitsubishi cũng đã xin lỗi công chúng và thừa nhận gian lận dữ liệu ở một số loại xe được xem là “thân thiện với môi trường”.

Mitsubishi thừa nhận đã làm sai lệch dữ liệu các cuộc kiểm tra về mức độ tiết kiệm năng lượng từ năm 1991. Hãng này nói số xe hơi có dữ liệu tiết kiệm năng lượng sai lệch là trên 600.000 xe. Hãng này cho biết đã ngưng việc sản xuất và bán xe, đồng thời thành lập một ủy ban điều tra độc lập. Cổ phiếu của Mitsubishi Motors cho tới nay đã mất giá hơn 50% kể từ khi xảy ra vụ việc. Tại Pháp, công ty ô tô danh tiếng nhất nước này là Peugeot cũng đã bị các quan chức chống gian lận khám xét trong cuộc điều tra đang diễn ra về chất gây ô nhiễm trong ngành công nghiệp xe hơi. Nhưng công ty này cho biết lượng sản phẩm của họ vẫn tuân thủ tiêu chuẩn khí thải.

Tất cả các ngành kinh doanh nhìn chung rõ ràng đang hướng tới một tương lai thân thiện hơn với môi trường. Hơn bao giờ hết các nhà đầu tư xem phát triển bền vững là một phần trong chiến lược của họ. Họ sẵn sàng chi hàng ngàn tỷ USD theo hướng “xanh hóa”. Ngoài ra, điều cần thiết không kém là những quy định từ các hệ thống chính trị của các quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ đóng góp mang tính quyết định hơn bao giờ hết trong việc bảo vệ môi trường Trái đất. Khi công nghệ năng lượng mới đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, các chính trị gia, người tiêu dùng và các doanh nghiệp nên xem đây là cơ hội hơn là một mối đe dọa từ đó làm tăng khả năng tồn tại và phát triển bền vững.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục