Cơ hội mở cho doanh nghiệp Việt Nam

Cơ hội từ cơ chế JCM
Cơ hội mở cho doanh nghiệp Việt Nam

Cơ chế tín chỉ chung JCM đẩy mạnh tăng trưởng Carbon thấp

Đó là nội dung chính của hội thảo “Tăng cường nhận thức về cơ chế JCM” do Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) phối hợp Viện Nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) tổ chức ngày 23-9 vừa qua, tại Hà Nội.

Thúc đẩy tăng trưởng carbon thấp

Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV-BĐKH) cho biết:  Bắt đầu từ năm 2010, Việt Nam và Nhật Bản đã phối hợp nghiên cứu các hoạt động, dự án trình diễn lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, lâm nghiệp, xây dựng... Sau khi đảm bảo các cơ sở về lý luận và thực tiễn, tháng 7-2013, hai chính phủ Việt Nam - Nhật Bản đã ký bản ghi nhớ hợp tác về “Tăng trưởng carbon thấp và xây dựng cơ chế tín chỉ chung JCM”.

Các dự án liên quan đến năng lượng như sản xuất xi măng... có thể tham gia cơ chế tín chỉ chung JCM. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Cục KTTV-BĐKH, JCM là cơ chế bù trừ phát thải carbon song phương được Nhật Bản xây dựng, đề xuất triển khai nhằm khắc phục những hạn chế của Cơ chế phát triển sạch CDM. Theo đó, JCM tập trung chủ yếu vào giải quyết một số vấn đề sau: Mở rộng đối tượng có khả năng tham gia thực hiện cơ chế bù trừ phát thải carbon; đơn giản hóa phương pháp tính cơ chế bù trừ phát thải carbon phù hợp với từng lĩnh vực và đối tượng tham gia. “Mặc dù JCM là cơ chế mới còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thủ tục cũng như đang xây dựng 4 dự án thí điểm nhưng đây là cơ sở và chính là cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, để đổi mới, lựa chọn công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ Nhật Bản cho hoạt động sản xuất kinh doanh…” - ông Lê Ngọc Tuấn nói.

Vậy thực hiện các dự án theo cơ chế tín chỉ chung JCM, phía Nhật Bản sẽ được lợi ích gì? Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP, ông Kenji Asakawa, Trưởng phòng Khí hậu và môi trường, Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản, cho biết: “Việt Nam là quốc gia thứ 6 trong 12 nước đã ký bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp JCM với Nhật Bản. Trước đây, khi thực hiện trao đổi tín chỉ theo CDM, Nhật Bản chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 1/3 chi phí. Song JCM là cơ chế mới nên phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ 50%. Hiện tại ở giai đoạn phi thương mại nên Nhật Bản chỉ đầu tư công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện dự án. Sau khi dự án thực hiện, thu được tín chỉ giảm phát thải, Nhật Bản sẽ xin lại phần tín chỉ”.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Cơ hội từ cơ chế JCM

- Được hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Nhật Bản.

- Góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng phát thải Carbon thấp.

- Góp phần tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, tạo việc làm xanh.

- Bảo vệ môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

- Tăng cường khả năng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục KTTV-BĐKH, thuận lợi đối với Việt Nam khi tham gia tín chỉ JCM là việc các nước phát triển sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam giảm nhẹ phát thải carbon để thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện nay, chủ trương và chính sách của Việt Nam về tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đã được Chính phủ khẳng định. Các doanh nghiệp cần phát triển bền vững song song với việc bảo vệ môi trường, trong đó hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần được ưu tiên hàng đầu. “Vậy thì nếu tham gia cơ chế tín chỉ JCM, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được Bộ Môi trường Nhật Bản hoặc Bộ Kinh tế Thương mại và Công thương Nhật Bản hỗ trợ về công nghệ và tài chính. Tôi nghĩ đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Tuệ khẳng định.

Các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, tham gia cơ chế tín chỉ chung JCM không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển xanh và bền vững mà thông qua triển khai JCM, còn góp phần giải quyết các vấn đề môi trường tại Việt Nam, giúp Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực bảo tồn và tiết kiệm năng lượng thông qua việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ của Nhật Bản sang Việt Nam. Nhật Bản sẽ góp phần vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam, đồng thời góp phần giảm phát thải CO2 bảo vệ môi trường.

Còn Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng: “Hiện nay, thị trường carbon chưa hình thành, việc buôn bán tín chỉ carbon đang ở mức hạn chế, do đó, lợi ích của doanh nghiệp trong việc tham gia dự án chỉ là đầu tư công nghệ nên cần đảm bảo chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra không quá lớn. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Vậy các dự án thuộc lĩnh vực nào có thể tham gia cơ chế tín chỉ chung JCM và khi muốn đăng ký tham gia, họ có thể đăng ký ở đâu? Ông Asakawa cho biết: Các dự án liên quan đến năng lượng như xử lý rác thải, sản xuất thép, sản xuất xi măng, sản xuất gạch bê tông khí, các ngành công nghiệp nặng… nói tóm lại là các dự án trước đây phát thải nhiều carbon ra không khí. “Để tham gia các dự án thuộc JCM trước hết các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm được một đối tác Nhật Bản. Phía đối tác, công ty Nhật Bản đó sẽ đứng ra đăng ký với Chính phủ Nhật Bản để tìm nguồn hỗ trợ cho dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ trực tiếp qua cơ quan thường trực giúp việc cho Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án là Cục KTTV-BĐKH, Bộ TN-MT Việt Nam”, ông Asakawa nói.

Cơ chế tín chỉ chung JCM là phương pháp tiếp cận mới được đề xuất bởi Nhật Bản hay còn gọi là Cơ chế tín chỉ bù trừ song phương (BOCM). Phía Nhật Bản sẽ cung cấp tài chính, công nghệ để thực hiện các dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đối tác. Các dự án này được thực hiện chuyển đổi thành các tín chỉ carbon và Nhật Bản có thể được sử dụng các tín chỉ này. Việc hợp tác về JCM mở ra một cơ hội để Việt Nam phát triển các công nghệ sạch. Dự kiến đến cuối năm 2014 này, Bộ trưởng Bộ TN-MT sẽ ký, ban hành Thông tư quy định xây dựng và thực hiện các dự án theo cơ chế JCM tại Việt Nam.

HẢI NGỌC - MINH TUẤN

Tin cùng chuyên mục