Cơ hội mới sản phẩm nho

Đặc sản vùng cát trắng
Cơ hội mới sản phẩm nho

Từ ngày 17 đến 19-7, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) diễn ra lễ hội Nho và Vang quốc tế lần thứ nhất. Qua sự kiện này, tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng mở ra cơ hội mới, đưa cây nho thực sự trở thành loại cây trồng chủ lực của tỉnh.

Ông Nguyễn Khắc Phòng - một trong những nông dân sản xuất nho giỏi của Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Khắc Phòng - một trong những nông dân sản xuất nho giỏi của Ninh Thuận.

Đặc sản vùng cát trắng

Từ những năm 1980 trở lại đây, cây nho đã trở thành hàng hóa và là dòng đặc sản của tỉnh Ninh Thuận. Cây nho không những góp phần giảm nghèo mà còn giúp cải thiện mức thu nhập của người dân địa phương. Hiện Ninh Thuận là địa phương trồng nho lớn nhất và duy nhất của cả nước với khoảng 1.100ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và TP Phan Rang - Tháp Chàm, trồng nhiều nhất là giống nho đỏ với trên 95% diện tích. Tỉnh cũng đã đưa giống nho xanh chất lượng cao và nho đen vào sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, bước đầu đã cho kết quả khả quan về mức độ phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời cho chất lượng khá cao so với các giống nho nhập khẩu.

Bên cạnh thu nhập từ nho tươi, người dân còn có nguồn lợi khác từ chế biến vang nho và mật nho. Từ tháng 9-2005, Công ty cổ phần vang Thăng Long đầu tư nhà máy chế biến vang nho tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, công suất 2 triệu lít/năm. Trong tỉnh có 3 cơ sở sản xuất, chế biến vang nho là trang trại nho Ba Mọi, cơ sở Thiên Thảo và Viết Nghi, mỗi nơi sản xuất khoảng 4.000 lít vang/năm. Ngoài ra, còn có 39 cơ sở chế biến vang quy mô hộ gia đình, sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.

Nho Ninh Thuận có mặt ở hầu khắp các chợ trong tỉnh và các siêu thị, nhà hàng, khách sạn ở nhiều tỉnh thành, trong đó có các thị trường lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Đây là dấu hiệu đáng mừng, khẳng định chỗ đứng và giá trị kinh tế của cây nho Ninh Thuận. Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại nho Ba Mọi, cho biết: “Hiệu quả kinh tế từ nho mang lại rất cao, người trồng nếu áp dụng đúng kỹ thuật sẽ thu lãi trung bình 100 - 150 triệu đồng/ha/năm, có hộ lên đến 200 - 300 triệu đồng/ha/năm đối với giống nho xanh”.

Tạo cú hích phát triển

Với chủ trương khẳng định nho là cây trồng chủ lực, tỉnh Ninh Thuận quy hoạch diện tích nho đến năm 2020 lên 2.200ha, trong đó có 1.000ha giống mới chất lượng cao và 1.200ha giống nho đỏ; tổng sản lượng bình quân lên 55.000 tấn/năm. Việc tổ chức lễ hội Nho và Vang quốc tế chính là “cú hích” quan trọng để Ninh Thuận hiện thực hóa chủ trương này. Theo ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Ninh Thuận, việc tổ chức lễ hội Nho và Vang quốc tế lần thứ nhất tại Ninh Thuận là việc làm thiết thực nhằm tôn vinh, biểu dương những nông dân, doanh nhân, nhà khoa học có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu để tăng năng suất, sản lượng nho và chế biến các sản phẩm từ nho như mật nho, nho khô, mứt nho, vang nho tại vùng đất trồng nho duy nhất trên cả nước. Lễ hội cũng là dịp để khẳng định những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho tỉnh nhà. Điều quan trọng hơn mà lễ hội nhắm đến là việc xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch Ninh Thuận. “Sản phẩm nho và vang không chỉ là sản phẩm tiêu dùng thông thường, còn phải xây dựng để trở thành sản phẩm du lịch, thương hiệu của Ninh Thuận”, ông Phan Quốc Anh nhấn mạnh.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục