Cơ hội tái cấu trúc ngành cơ khí

Đất nước đang trên đà phát triển, hàng năm sẽ có hàng trăm tỷ USD đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng yếu. Đây được xem là cơ hội để ngành cơ khí với đội ngũ đông đảo chuyển mình, chủ động nâng cao năng lực, làm chủ thị trường. 
Cơ hội tái cấu trúc ngành cơ khí

Đất nước đang trên đà phát triển, hàng năm sẽ có hàng trăm tỷ USD đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng yếu. Đây được xem là cơ hội để ngành cơ khí với đội ngũ đông đảo chuyển mình, chủ động nâng cao năng lực, làm chủ thị trường. 

Tiềm năng dồi dào

Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đề ra mục tiêu: Các công ty cơ khí trong nước sẽ tự sản xuất được khoảng từ 100 - 125 tỷ USD tiền hàng. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2025, nhu cầu đầu tư cho các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện, xi măng, hóa chất, nhôm… ước tính vốn đầu tư khoảng 107 tỷ USD. Còn theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vào năm 2025, nước ta phải đầu tư và đưa vào vận hành thêm 52 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 54.740MW. Trong đó, có 35 nhà máy điện do các chủ đầu tư trong nước thực hiện với tổng số vốn đầu tư 43,4 tỷ USD. Cơ cấu vốn đầu tư cho các thiết bị máy móc lên đến 32,7 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư. Do đó, các chuyên gia nhận định đây là cơ hội lớn cho ngành cơ khí, bởi những phần việc từ các dự án này mang lại rất lớn.

Sản xuất cơ khí tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất cơ khí tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành cơ khí hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp với 53.000 cơ sở sản xuất. Trong đó có 450 doanh nghiệp quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập trung và 156 xí nghiệp tư doanh. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long cho biết, sau 10 năm phát triển, đến nay ngành cơ khí đã hình thành ba ngành hàng mới là đóng tàu biển, chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, lắp ráp ô tô chở khách và tải nhẹ. Đối với các doanh nghiệp cơ khí ra đời từ 1985 về trước đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực… để chế tạo được nhiều sản phẩm có giá trị như máy động lực nhỏ, động cơ điện, máy biến áp, phụ tùng xuất khẩu… Đáng chú ý, khối doanh nghiệp tư nhân tìm cách tạo vốn làm cơ khí như lắp ráp ô tô, đúc, chế tạo cầu trục, làm hàng kết cấu, phụ tùng… khá nhiều. “Các doanh nghiệp có ý thức tự cường vươn lên nhận tổng thầu EPC một số công trình công nghiệp gần tỷ USD hoặc liên danh với nhau để chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện lớn. Giải quyết rất nhiều lao động tham gia đội ngũ công nhân công nghiệp và tạo lợi nhuận gián tiếp cho các ngành sản xuất khác” - ông Đào Phan Long dẫn chứng. Đặc biệt, đến năm 2010, ngành cơ khí Việt Nam đã xuất khẩu được trên 5,5 tỷ USD; năm 2011 được 6,2 tỷ USD. Điều này cho thấy, năng lực ngành cơ khí trong nước đang từng bước khẳng định mình, tiến tới làm chủ sản phẩm nội địa, đặc biệt trước sức ép hội nhập.

Liên kết, tăng tính tự chủ

Theo Giám đốc Công ty Cơ khí Hoàng Sơn (quận Bình Tân, TPHCM), để khắc phục những khó khăn của ngành cơ khí, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách vĩ mô và vi mô của nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Tuy vậy, bản thân các doanh nghiệp cơ khí cũng cần chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp cho mình. Doanh nghiệp cần tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, tìm mọi cách giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới. Nhiều sản phẩm cơ khí Việt Nam đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu có hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị gia tăng thấp nên khó cạnh tranh được với các sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp nước ngoài. Một cán bộ quản lý của Công ty CP Lilama 69-3 cho rằng, các doanh nghiệp cơ khí trong nước cần tăng cường hợp tác để thúc đẩy cùng phát triển, tự chủ và cùng nhau thực hiện các hợp đồng lớn trong nước và xuất khẩu. “Việc hợp tác cũng song song với nâng cao tính tương hỗ, tương tác về công nghệ, nâng cao năng lực chế tạo trong nước”, vị cán bộ phân tích.

Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ cũng cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp không nên chỉ dựa vào cơ chế chính sách, dựa vào “bầu sữa mẹ” của nhà nước mà nên tìm kiếm trong bạn hàng những mặt hàng có thế mạnh của nhau để giúp nhau hoàn thành tốt đẹp đơn hàng. Qua đó, vừa bảo đảm uy tín cho chủ hàng đồng thời có lợi ích cho cả hai bên đối tác thực hiện đúng chuyên môn hóa sâu, hợp tác hóa rộng. Cụ thể, các doanh nghiệp cơ khí cần nhanh chóng liên kết, hợp tác sản xuất, xây dựng các tổ hợp chuyên ngành như sản phẩm cho công nghiệp phụ trợ, sản phẩm cơ khí chính xác, đóng tàu thủy; thiết bị nông - lâm - ngư nghiệp và thiết bị điện, điện tử, xây lắp công trình… để đủ năng lực tham gia các dự án, công trình công nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời giam gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu có hiệu quả. Ngoài ra, để sản phẩm cơ khí trong nước đứng vững và lâu dài, các doanh nghiệp cơ khí cần đặc biệt chú ý chất lượng sản phẩm phải phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước và tiến tới đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, tiến tới thay thế hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng Trung Quốc.

Ngày 18-6-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ - ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh Chiến lược phát triển ngành cơ khí. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp cơ khí tập trung hoàn thành đầu tư các dự án sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt; tăng cường đầu tư vào các dự án công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành cơ khí; tăng cường cải tiến công tác quản lý chi phí, giảm giá thành, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục