Ngày 1-1, Hy Lạp bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) với nhiệm kỳ kéo dài trong 6 tháng. Đây là lần thứ năm Hy Lạp được giao nhiệm vụ này. So với những lần trước, đây là lần mà vị thế và tiếng nói của Hy Lạp ở mức khiêm tốn nhất. Nhiều lần đối mặt với nguy cơ phá sản do vỡ nợ, được EU trao cho những gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp, Hy Lạp đã chuẩn bị gì cho chiếc ghế Chủ tịch EU lần này? Nhất là trong bối cảnh năm 2014 được cho là năm của châu Âu, không chỉ vì các cuộc bầu cử mà còn vì năm nay được kỳ vọng là năm lục địa già phục hồi. Đây cũng là năm hy vọng khôi phục được niềm tin của người châu Âu vốn quá đã thất vọng về nền dân chủ, kinh tế và liên kết xã hội.
Về phía Hy Lạp, một thực tế không thể chối bỏ là quốc gia này vẫn còn ngập trong khủng hoảng kinh tế. Là đất nước chìm sâu nhất trong cuộc suy thoái kinh tế ở châu Âu, Hy Lạp đang chịu tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục 27%, đối mặt với mức thuế khắc nghiệt cùng chính sách thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt.
Trong nhiệm kỳ này, Hy Lạp phải tổ chức đến hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ, chủ trì những cuộc thảo luận phức tạp về vấn đề EU và cùng lúc gồng khoản nợ công đến 350 tỷ EUR. Một thiệt thòi cho Hy Lạp là nước này chỉ nhận được 50 triệu EUR hỗ trợ từ bộ ba gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Con số này đã giảm 40% so với mức hỗ trợ cho nhiệm kỳ trước đó. Bộ ba trên nhấn mạnh Hy Lạp vẫn chưa hoàn thành được phần lớn điều kiện vay nợ đã cam kết nên trong nhiệm kỳ này, một trong những vấn đề mà EU phải giải quyết là bàn bạc lại cách thức và thời hạn cho vay.
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cam kết nước này sẽ hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch EU như kỳ vọng của các quốc gia thành viên. Thật ra, theo đánh giá của giới chuyên môn, mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng đã chững lại. Đức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu cũng đã trụ khá vững. Các nền kinh tế yếu nhất khu vực là Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp cũng được cho là qua cơn nguy kịch.
Dự báo của các chuyên gia kinh tế từ IMF hay ECB cho thấy sự phục hồi đồng loạt của các nền kinh tế châu Âu có thể đến từ cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Nhiệm kỳ vốn kéo dài 6 tháng nhưng mọi cuộc thảo luận quan trọng phải được hoàn tất từ giữa tháng 4 để đến cuối tháng 5 là kết thúc các cuộc bầu cử cho Nghị viện châu Âu mới. Trước áp lực thời gian này, Hy Lạp cũng đã lên kế hoạch tập trung vào 4 mục tiêu quan trọng: bảo vệ đồng EUR, với việc đặc biệt ưu tiên thực hiện Hiệp ước tăng trưởng và tạo việc làm; tăng cường vai trò của Liên minh tiền tệ và kinh tế (EMU); giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế và thất nghiệp cùng những thách thức chung mà châu Âu đang phải đối mặt như nạn nhập cư trái phép; và cuối cùng là chính sách hàng hải.
Theo giới phân tích, tất cả các lĩnh vực ưu tiên trong chương trình nghị sự đều gắn với những lợi ích chủ chốt của Hy Lạp. Một nhiệm kỳ Chủ tịch EU thành công cũng sẽ giúp Hy Lạp cải thiện được hình ảnh, là cơ hội để chứng tỏ với cộng đồng quốc tế về khả năng biến một nền kinh tế kiệt quệ thành một đối tác đáng tin cậy.
NHƯ QUỲNH