Cơ hội vàng để cải cách

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một trong những văn bản luật nhận được nhiều ý kiến khác nhau nhất tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một trong những văn bản luật nhận được nhiều ý kiến khác nhau nhất tại kỳ họp Quốc hội lần này.

 Đồng thời cũng là dự luật thể hiện sự thận trọng tối đa và cả những băn khoăn của cơ quan soạn thảo khi có tới hơn 30 điều - chiếm khoảng 1/4 số điều của luật, được thiết kế từ 2 đến 4 phương án. Hôm qua, 24-11, các ý kiến ĐBQH phát biểu khi thảo luận dự luật này cũng đã tạo ra một cuộc tranh luận hết sức sôi nổi và thẳng thắn; đặc biệt là về mô hình tổ chức chính quyền địa phương - nội dung được các vị ĐBQH nhìn nhận là “cốt lõi của vấn đề”.

Cụ thể, theo dự luật, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính có 2 phương án. Phương án 1, các đơn vị hành chính quận, phường không tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) mà chỉ tổ chức UBND là chính quyền địa phương của quận, phường, chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của luật và các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên ủy quyền. Chức năng đại diện, giám sát và quyết định các vấn đề ở quận, phường sẽ do HĐND thành phố, thị xã thực hiện. Các đơn vị hành chính còn lại theo Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền có HĐND và UBND. Phương án 2, HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp (đặc biệt ở quận và phường).

Phát biểu tại hội trường về vấn đề này, một số ý kiến ủng hộ phương án 1, một số ý kiến ủng hộ phương án 2. Cũng không ít ý kiến “chưa thật thông suốt về cả hai phương án” và đề xuất thiết kế khác, bởi lẽ cơ quan soạn thảo chưa phân tích, làm rõ được những ưu thế/bất cập, sự chưa phù hợp của từng phương án một cách thật toàn diện. Hoàn toàn có lý khi các vị ĐBQH đặt ra hàng loạt câu hỏi: không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường thì tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào? Việc giám sát hoạt động của UBND ở đó sẽ ra sao? Việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương có đảm bảo tính dân chủ không? Có sự khác nhau như thế nào về tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương khi cùng một cấp đơn vị hành chính nơi có HĐND, nơi lại không có tổ chức HĐND? Tại sao khi thực hiện thí điểm thì không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, nay lại đề nghị phương án không tổ chức HĐND ở quận, phường (giữ lại ở huyện)...?

Tiếp cận vấn đề với tư duy “vừa kế thừa cái cũ còn phù hợp, vừa đổi mới một cách mạnh mẽ trên tinh thần đáp ứng cả về lý luận, tổ chức bộ máy nhà nước gắn với thực tiễn”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nhận xét: cả hai phương án đưa ra trong dự thảo luật đều không phù hợp hoặc không chuyển tải đầy đủ tinh thần của Điều 111, Hiến pháp năm 2013 là phải phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính đặc biệt. Thay vào đó, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, ở nông thôn vẫn nên giữ ba cấp chính quyền. Ở đô thị, nên tổ chức chính quyền (bao gồm HĐND và UBND) ở hai cấp - cấp thành phố và cấp phường... Kiến nghị này có nhiều điểm tương đồng với mô hình chính quyền đô thị mà TPHCM đã từng đề xuất trước đây.

Dẫu các đề xuất và biện luận có khác nhau, song các ĐBQH đều đồng thuận cao về sự cấp thiết của việc cải cách tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Tổ chức HĐND, UBND hiện hành. Thực tế, hệ thống chính quyền 4 cấp hiện hành được hình thành từ khi thành lập nước năm 1945; đã vận hành 69 năm, khi dân số mới chỉ có trên 20 triệu dân. Chất lượng dân số, nguồn lực... cũng như các mục tiêu, yêu cầu quản lý đã có sự thay đổi rất lớn, không thể không sắp xếp, cấu trúc lại hệ thống bộ máy nhà nước - đặc biệt là chính quyền địa phương, cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đúng như ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm kiên trì nhấn mạnh tới 3 lần trong phát biểu của mình trước Quốc hội, “đây là cơ hội vàng để cải cách”, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, đảm bảo chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân; nếu chần chừ bỏ lỡ cơ hội này, người dân sẽ mất lòng tin... Nếu khư khư giữ mô hình như hiện nay - như cũng có ý kiến đề xuất - chỉ bổ sung một số nội dung, thì quá trình đổi mới đi được bao xa? Phải chăng, “cơ hội vàng” mà Hiến pháp 2013 vừa mở ra chưa được tận dụng triệt để?

Trước khi đưa ra những quy định cụ thể, cần thống nhất về mô hình, từ đó mới thể hiện các quy định của luật theo mô hình đã lựa chọn. Nhưng lựa chọn theo tiêu chí nào? Không phải ngẫu nhiên mà ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) được nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình khi nêu ra 4 yêu cầu mà luật này cần giải quyết. Đó là xác định địa vị pháp lý của chính quyền địa phương trong hệ thống nền hành chính quốc gia; phân định rõ công vụ gì thuộc cấp chính quyền nào; tăng cường tính tự quản; nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp... Hẳn các vị ĐBQH, cử tri và nhân dân cả nước đều đang mong đợi dự luật tiếp tục được tiếp thu, hoàn thiện để khi được trình ra Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp sau, đó sẽ là phương án hợp lý nhất, đáp ứng được yêu cầu quản lý cho từng khu vực đô thị, nông thôn, hải đảo hay đặc khu hành chính - kinh tế với những nét đặc thù...

Một đề bài thực sự khó, nhưng cơ quan lập pháp không thể không làm.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục