Có nên “cắt cổ con cò”?

Anh bạn, nhân góp chuyện về những phát biểu của nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn về nhạc sến đã trích 2 câu thơ tuyệt như không thể tuyệt hơn: Vì ai cắt cổ con cò/Hương quê bải hoải, câu hò dở dang… Và rồi nhân ý tứ đó anh dẫn dắt thêm: “… khi nói lời yêu (vẻ đẹp) con cò thì cũng không phải là muốn phủ nhận, khích bác những vẻ đẹp khác như con ốc, con cua, con nhái bén, con cá lóc với bầy cá rồng rồng, con chuột đồng, con gà nước, con rùa, con chim sẻ... và tất nhiên lại càng không thể “dìm hàng” râu bắp, đọt mạ non, rặng trâm bầu, hàng cừ tràm, bụi cỏ lác, ô rô, cỏ lau ven bờ đê... khi tất cả những sinh thể động, thực vật này đều hợp lực tạo thành một vẻ đẹp chung của quê xứ, đôi khi khiến cho những kẻ tha phương nhớ cháy lòng!”.

Anh bạn, nhân góp chuyện về những phát biểu của nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn về nhạc sến đã trích 2 câu thơ tuyệt như không thể tuyệt hơn: Vì ai cắt cổ con cò/Hương quê bải hoải, câu hò dở dang… Và rồi nhân ý tứ đó anh dẫn dắt thêm: “… khi nói lời yêu (vẻ đẹp) con cò thì cũng không phải là muốn phủ nhận, khích bác những vẻ đẹp khác như con ốc, con cua, con nhái bén, con cá lóc với bầy cá rồng rồng, con chuột đồng, con gà nước, con rùa, con chim sẻ... và tất nhiên lại càng không thể “dìm hàng” râu bắp, đọt mạ non, rặng trâm bầu, hàng cừ tràm, bụi cỏ lác, ô rô, cỏ lau ven bờ đê... khi tất cả những sinh thể động, thực vật này đều hợp lực tạo thành một vẻ đẹp chung của quê xứ, đôi khi khiến cho những kẻ tha phương nhớ cháy lòng!”.

Trong góc nhìn tỉnh táo và khách quan nhất, có thể thấy nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn - hai trong số những cái tên có thể nói là đang cố (và thực ra họ cũng đang có vẻ lao động vất vả cho việc đó) “ném” mình lên để định danh như những người am hiểu và trách nhiệm trong việc dẫn dắt thị hiếu lẫn thị trường nhạc Việt thời gian qua - có lý do riêng của họ khi lên tiếng về nhạc sến. Chưa nói đến đúng sai, vì để đi đến khẳng định hay phủ định một vấn đề mang tính học thuật rất cần thời gian và sự tham gia của những người trong cuộc đầy am hiểu, nhưng ở góc độ nên hay không nên thì việc khơi gợi để tạo ra tranh luận ngõ hầu tìm đến một chuẩn mực mới hoàn toàn là điều nên làm. Cơn sóng dư luận tranh biện xung quanh mệnh đề “Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc ủy mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm thì có gọi đó là bình thường?” nên được nhìn một cách công bằng rằng đó là đóng góp tích cực của nhạc sĩ Quốc Trung, nhất là giữa thời điểm ngập ngụa những hỗn mang thật giả, lộng chân như hiện tại.

Tuy nhiên, những lần giật mình nhìn lại hay cái quắc mắt phẫn nộ vì chạm đến một điều dường như đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành “hồn vía” của cả một vùng đất qua nhiều biến thiên thời cuộc, suy cho cùng đều mang những giá trị nhất định. Nó nhắc nhở rằng cánh cò mênh mang hồn vía phương Nam dạt dào man mác ấy vẫn đang chao nghiêng nơi tâm hồn những người yêu nhạc Việt. Và có lẽ đó là nguyên cớ của những hiệu ứng mạnh mẽ từ dư luận trước những quan điểm của nhạc sĩ Quốc Trung. Bởi nhận thức lại nhạc sến hay báng bổ nó là 2 mệnh đề hoàn toàn khác biệt và ranh giới giữa chúng thì rất xa. Để nói nhạc sến có tác động tiêu cực hay không đến tâm hồn và nhận thức của giới trẻ, có lẽ cần cả một cái ngoái nhìn lại lịch sử tồn tại của chúng trong tương quan so sánh mang tính học thuật và khoa học căn cơ chứ không thể và không nên là một phát biểu mang tính cảm tính (dẫu nó vẫn có giá trị khơi gợi như trên đã nói). Và nếu cho rằng nhạc sến là tiêu cực thì câu hỏi vì sao nhạc sến vẫn lên ngôi ở thị trường nhạc Việt vào thời điểm hiện tại, khi mà công nghệ bùng nổ với tốc độ tên lửa kéo theo những trào lưu mới mẻ từ bên ngoài tràn vào, mới là điều thật sự đáng giật mình, không chỉ khuôn trong địa hạt âm nhạc mà cả với nền giáo dục hiện tại. Bởi suy cho cùng, giáo dục như thế nào sẽ tạo ra những công - chúng - âm - nhạc như thế ấy mà thôi. Vậy nên, có lẽ cũng đừng “cắt cổ” những con - cò - nhạc - sến làm gì, phải không các nhạc sĩ đang mơ giấc mơ “nâng cấp” thị hiếu giới trẻ Việt?

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục