Có nên phá đi xây lại?

Bóng đá Việt Nam lại vừa có một phen sóng gió với một lá đơn có ký tên của nhiều cựu cầu thủ, chuyên gia gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị củng cố lại bộ máy của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với lý do làng cầu nội địa đang sa sút đến “tận đáy”, không cải tổ sẽ nguy.

Công bằng mà nói, sự sa sút của bóng đá Việt Nam là có thật, rất dễ nhận thấy qua thành tích giậm chân tại chỗ của các đội tuyển quốc gia, lượng khán giả sụt giảm tại sân cỏ V-League hay ngày càng nhiều sự cố về trọng tài, cầu thủ trên sân cỏ… Nói cách khác, yêu cầu cải tổ nền bóng đá là cấp thiết. Tuy nhiên, trước khi muốn thay đổi một cái gì đó, nhất là những thay đổi mang tính toàn diện, thì điều quan trọng nhất là phải đánh giá cho đúng thực trạng, phân tích đầy đủ cái được và không được trước khi xây dựng một kế hoạch dài hơi. Nếu chỉ dựa trên những vấn đề mang tính chất hiện tượng, khó lòng có một cuộc cải tổ đúng tầm.

Ví dụ như cần phải xác định rõ, việc sa sút của bóng đá Việt Nam hiện tại là mới xảy ra trong 1-2 năm gần đây hay chỉ là hệ quả của một quá trình vốn đã được dư luận đề cập từ năm 2010 đến nay. Cách đây 3 năm, V-League xuống cấp đến mức chỉ còn 11 đội thi đấu, hàng loạt CLB phải giải thể, tiêu cực từ nội địa ra đến thi đấu quốc tế, nhưng hiện nay V-League đã là 14 đội, giải hạng nhất cũng tăng từ 8 lên 10 đội. Cứ cho đó chỉ mới là sự cải thiện về số lượng chứ không phải chất lượng thì cũng không nên vội vàng cho rằng bóng đá Việt Nam đang… xuống đáy.

Hoặc như tình trạng “một ông chủ, nhiều đội bóng” liên quan đến bầu Hiển của Hà Nội T&T vốn không phải là chuyện mới mẻ gì. Việc này có gây những luồng dư luận không tốt, tuy nhiên VFF cho biết đã rà soát chặt chẽ các quy trình pháp lý, bao gồm những quy định của FIFA, vẫn không phát hiện sai phạm. Chưa kể là từ năm 2011 đến nay, có đến 4 đội bóng khác nhau lên ngôi vô địch quốc gia, trong đó B.Bình Dương đăng quang đến 2 lần, nên không thể kết luận việc “một ông chủ, nhiều đội bóng” gây hại cho bóng đá Việt Nam.

Nổi cộm nhất là các sự cố về trọng tài cũng như bạo lực sân cỏ đang gây nhức nhối. Công bằng mà nói, tình trạng này chưa được cải thiện so với trước, nhưng không hẳn là đã tệ hơn. Các nhà điều hành đã cố gắng “chữa cháy” bằng việc mời trọng tài ngoại sang điều hành các trận đấu có tính quyết định để tạo sự công bằng. Hơn nữa, việc đào tạo trọng tài, nâng cao ý thức văn hóa của cầu thủ không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà cần có thời gian, bởi nó liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng từ đầu.

Cần phải phân tích như thế để thấy bức tranh bóng đá Việt Nam dù không sáng sủa nhưng chưa hẳn đã toàn một màu đen. Cách đây 2 năm, ở giai đoạn cuối của VFF nhiệm kỳ 6, những yêu cầu cải tổ đã được đặt ra một cách quyết liệt đến mức công tác tổ chức đại hội VFF khóa 7 phải hoãn một thời gian nhằm chọn lựa nhân sự cũng như xác định chiến lược phát triển. Kết quả là VFF khóa 7 đã thu gọn tối đa quản lý, tăng tính xã hội trong vấn đề nhân sự với sự xuất hiện của 3 doanh nhân am hiểu bóng đá trong dàn lãnh đạo cấp cao, cũng như tiến trình trẻ hóa các bộ phận trực tiếp điều hành.

Nói cách khác, những gì cần phải làm cũng đã làm rồi, nếu kết quả chưa được như ý thì không có nghĩa lại phải xới tung lên mọi thứ để làm lại khi mà VFF khóa 7 chỉ mới đi được nửa nhiệm kỳ. Ngược lại, thay vì nghĩ đến chuyện phải thay đổi toàn bộ VFF, những người tâm huyết với bóng đá Việt Nam nên dành thời gian đưa ra các kiến nghị mang tính xây dựng và có ý nghĩa tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VH-TT-DL, hơn là sa đà vào việc thay người này, bỏ người kia. Đơn giản là nếu bóng đá Việt Nam đã xuống đến tận đáy như các nhận định mang tính phiến diện thì liệu rằng sự thay đổi một vài vị trí quản lý, điều hành có giúp ích được gì? Chưa kể, mới 2 năm trước đã tiến hành cải tổ một phần, chưa có bất kỳ cuộc hội thảo mang tính đánh giá nào thì nay lại đòi cải tổ lại liệu có hợp lý hay không?

Bóng đá Việt Nam không hoàn toàn ở đáy, VFF cũng không phải là không làm được gì, đó là lời khẳng định của những người đang trực tiếp làm bóng đá và có thời gian gắn bó lâu dài như ông Mai Đức Chung, Võ Quốc Thắng (bầu Thắng)... Thế nên, thay vì nghĩ đến chuyện phá đi xây lại thì nên bắt đầu với việc đánh giá đúng đắn thực trạng và góp sức vào việc xây dựng.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã âm thầm đóng góp cho bóng đá Việt Nam trong gần một thập niên nay và bước đầu tạo được những quả ngọt như trường hợp của các lò đào tạo HA.GL, Viettel, PVF hay Nutifood… Các hướng đi có tính chất xây dựng như vậy mới là những yếu tố mà bóng đá Việt Nam đang còn thiếu.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục