Cô Nguyễn Thị Mỹ Hảo, giáo viên Trường Mầm non Măng Non, quận 2: Tấm lòng yêu nghề, mến trẻ

Không phải không có lúc cô cảm thấy mệt mỏi rã rời, thậm chí có những lúc muốn bỏ nghề nhưng vì tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô trụ lại vững vàng, gắn bó và cống hiến với công việc đã chọn: cô giáo mầm non.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hảo, giáo viên Trường Mầm non Măng Non, quận 2: Tấm lòng yêu nghề, mến trẻ

Không phải không có lúc cô cảm thấy mệt mỏi rã rời, thậm chí có những lúc muốn bỏ nghề nhưng vì tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô trụ lại vững vàng, gắn bó và cống hiến với công việc đã chọn: cô giáo mầm non.

Cô Mỹ Hảo (trái) trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập, vui chơi của các cháu.

Cô Mỹ Hảo (trái) trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập, vui chơi của các cháu.

Lòng yêu nghề

Những câu hát chan chứa tình cảm “Mùa xuân ai đi hái hoa, mà em đi nuôi dạy trẻ, sao em muốn đàn em mau khỏe, sao em muốn đàn em mau ngoan, hay bởi vì em quá yêu thương những đôi môi đỏ, những đôi má tròn…” và hình ảnh những cô giáo mầm non dịu dàng năm nào dường như đã in đậm trong trí nhớ và tình cảm của cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hảo từ thuở còn thơ.

Chẳng thế mà “khi vừa tốt nghiệp phổ thông, tôi đã chọn ngay con đường làm cô giáo mầm non - một công việc mà tôi hằng ao ước từ khi còn là học sinh tiểu học” - cô Nguyễn Thị Mỹ Hảo, giáo viên Trường Mầm non Măng Non, quận 2 bộc bạch với chúng tôi về lý do tại sao cô gắn bó và cống hiến với nghề mình đã chọn.

Cô Mỹ Hảo tâm sự, làm nghề nào khó hay dễ thì không biết chứ làm cô giáo mầm non thật khó và vất vả vô cùng. Chẳng hạn ngày đầu tiên đi học đối với nhiều em là một ngày háo hức, nô nức đến trường; song những ngày đầu đến lớp của các cháu mầm non lại là một ngày đầy vất vả với cả cô và trò. Hầu hết các cháu đều khóc, nhất định không chịu rời xa ba mẹ, thậm chí có cháu do thói quen cứ khóc là ói đầy ra lớp…

Thế là các cô phải chia nhau ra, cô thì dỗ cháu này, cô chăm cháu kia, cô lo vệ sinh lớp… Rồi công việc hàng ngày cứ quần quật trôi qua mà đồng lương hiện tại thì chẳng tương xứng với công việc. Đó là chưa kể những áp lực về gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, những trăn trở, những buồn vui trong cuộc sống đời thường tác động.

Qua thời gian giảng dạy, điều mà cô Mỹ Hảo tâm đắc và thực hiện thành công là việc phối hợp thật tốt giữa phụ huynh và cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục các cháu lứa tuổi mầm non. Cô cho biết, việc phối hợp này quả thực không dễ dàng chút nào nhưng sở dĩ cô thành công là do cô đã kiên trì, bền bỉ thực hiện với sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp, nhà trường.

Cô Trương Thị Thúy Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non đánh giá: “Cô Mỹ Hảo là giáo viên có uy tín với phụ huynh, được phụ huynh hết sức tin tưởng. Cô đã vận dụng tốt mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường trong việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Cô cũng có uy tín với các đồng nghiệp trong quận, ngoài quận. Ngoài công tác giảng dạy, cô cũng kiêm nhiệm nhiều công tác khác của nhà trường và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Hạnh phúc giản đơn

Trao đổi với chúng tôi về sự phối hợp giữa phụ huynh và cô giáo, anh Nguyễn Hữu Hải, cha của cháu Nguyễn Song Thư cho biết, khi đón cháu buổi chiều, cô Mỹ Hảo thường cung cấp cho gia đình những thông tin về tình hình sức khỏe, ăn uống, học tập trong một ngày của cháu; đồng thời cũng dặn dò, nhắc nhở chúng tôi trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc cháu ở nhà. Ngược lại, khi đưa cháu đến lớp, gia đình cũng cung cấp cho cô biết tình hình của cháu ở nhà để cô nắm.

Anh Hải kể: “Có hôm cháu bị sốt, khi đưa cháu đến trường, dù gia đình có báo cho cô biết nhưng chúng tôi đi làm rất sốt ruột. Khoảng 9 giờ, qua điện thoại của cô cho biết nguyên nhân khiến cháu sốt chỉ là do mọc răng, gia đình cảm thấy nhẹ nhõm hẳn, yên tâm công tác, không còn lo lắng”.

Còn chị Nguyễn Thị Cảm, mẹ của cháu Huỳnh Minh Tâm cũng kể cho chúng tôi nghe những chuyện tiến bộ của cháu như biết tự giác phụ giúp công việc nhà, tự thay quần áo, ăn xong tự mang chén, bát ra chậu rửa… “Lúc này, gia đình cũng cần phải khuyến khích, động viên cháu thực hiện những điều cháu phải làm ở nhà mà cô giáo dạy trên lớp”, chị Cảm chia sẻ về việc gia đình cần phối hợp với cô giáo để dạy dỗ khi trẻ ở nhà.

Ngoài việc thực hiện hồ sơ sổ sách theo quy định, riêng cô Mỹ Hảo còn lập một sổ Nhật ký quan sát trẻ. Trong cuốn sổ ấy, cô ghi lại toàn bộ những thông tin, biểu hiện của trẻ từng ngày, từng tháng để theo dõi, phối hợp cùng phụ huynh chăm sóc trẻ tốt hơn. Qua việc thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cô và phụ huynh trong việc chăm sóc cháu, cô thấy chất lượng nuôi dạy trẻ được nâng cao, mối quan hệ của phụ huynh gắn bó với cô và nhà trường thân thiết hơn. Phụ huynh không còn tâm lý phó mặc cho nhà trường trong việc giáo dục các cháu.

Dù gặp nhiều khó khăn vất vả song cô vẫn mãn nguyện: “Công việc của tôi nói riêng và đồng nghiệp của tôi nói chung rất hãnh diện với trọng trách này. Chúng tôi được là người thầy đầu tiên trong cuộc đời của mỗi cháu. Đó là một công việc chứa chan niềm vui mà nó chỉ có khi ta thật sự có tấm lòng yêu trẻ”.

Cô còn kể, ngoài việc động viên của nhà trường, đồng nghiệp, gia đình thì cô rất hạnh phúc khi có phụ huynh từng là học sinh cũ của cô nay lại tiếp tục đem con đến gửi gấm hay những lứa học trò đầu tiên của cô lâu lâu vẫn hỏi han, vui mừng báo cho cô những thành quả mà các em đạt được… Tất cả những điều đó đã xua tan bao nỗi buồn, vực cô đứng dậy trong những lần cô cảm thấy quá mệt mỏi, rã rời.

Xúc động trước việc được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản, cô Mỹ Hảo tâm sự: “Tôi rất cảm động khi đã được xã hội ghi nhận sự đóng góp nhỏ bé của tôi qua giải thưởng cao quý này. Tôi biết mình sẽ còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để tiếp tục cống hiến, đóng góp cho công tác giáo dục thế hệ trẻ”.

KIM ĐÍNH

Tin cùng chuyên mục