Theo Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm 2018, có 5 doanh nghiệp (DN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH). Tổng giá trị DN là 8.752 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỷ đồng. Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN (bao gồm: 21 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018). Tuy nhiên, đến hết tháng 5, cả nước mới CPH được 5 DN (chỉ có 1 DN thuộc danh sách thực hiện CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN). Bộ Tài chính nhận định, kết quả trên cho thấy việc triển khai CPH còn rất chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cơ chế, chính sách cơ cấu lại DN nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 đã cơ bản đầy đủ. Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Bộ Tài chính cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết. Về nguyên nhân của sự chậm trễ trên, ông Hiền cho rằng, giai đoạn này các DN CPH đều có quy mô rất lớn, nhiều tổng công ty, tập đoàn có vốn nhà nước lên đến chục, hàng chục ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo quy định mới, DN CPH không phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán như trước đây nên buộc các DN phải xử lý tài chính, lập phương án xử lý đất đai trước khi xác định giá trị DN. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian.
Mới đây, khi lý giải về nguyên nhân của việc chậm trễ trong việc CPH DNNN đang có dấu hiệu dừng lại, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương bình luận, một trong những nguyên nhân là các cơ quan, bộ ngành, địa phương còn chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện chủ trương CPH, thoái vốn nhà nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thực tiễn cho thấy sự chậm trễ trong tiến trình CPH không chỉ là nguyên nhân mang tính khách quan (như khó khăn trong định giá DN, xử lý tồn đọng, hay do bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế chưa thuận lợi) mà còn do những yếu tố mang tính chất chủ quan. Đó là những lo ngại của ban lãnh đạo DN khi phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, kết quả yếu kém của công ty khi DN phải thực hiện kiểm toán và đánh giá lại giá trị khi thực hiện CPH. Điều quan trọng hơn phải kể đến là sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ, ngành dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn chưa được thực thi với hiệu lực cao.
Ngoài ra, một bất cập trong CPH DNNN hiện nay là tình trạng CPH một cách… hình thức. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã CPH được 571 DN và bộ phận DN nhưng chỉ thu về cho Nhà nước 43.000 tỷ đồng - con số quá ít ỏi. Nhiều tổng công ty chỉ bán 1% - 2% vốn điều lệ ra bên ngoài nên khó có thể nói là CPH theo đúng nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. Lượng vốn Nhà nước sở hữu tại các DN đã bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vẫn còn rất lớn. Theo báo cáo từ đoàn giám sát của Quốc hội, tỷ lệ này chiếm tới trên 80% vốn điều lệ, vì vậy, một lượng lớn các nguồn lực tài chính cho đến nay vẫn chưa tìm được chủ sở hữu có đủ động lực để sử dụng một cách có hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, hiện nay không có khoảng trống pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và CPH DNNN. Mặc dù các cơ chế tháo gỡ đã ban hành đầy đủ nhưng tiến độ CPH, thoái vốn những tháng đầu năm 2018 vẫn còn chậm. Việc này xuất phát ở khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi CPH còn rất chậm. Do đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để có sự vào cuộc đồng bộ gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân lãnh đạo DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu…
Thực tế nêu trên cho thấy, việc chậm trễ trong CPH DNNN có nguyên nhân lớn là các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN của các bộ, ngành, DN còn hạn chế. Nhiều chuyên gia cho rằng, để tăng cường khung khổ pháp lý cũng như kỷ cương trong việc thực hiện CPH DNNN, cần thiết phải quy trách nhiệm, chế tài mạnh hơn với những cơ quan đại diện chủ sở hữu, lãnh đạo DN. Còn cao hơn là cần có luật về cổ phần hóa, bởi đây là vấn đề rất quan trọng của nền kinh tế, xứng đáng để Quốc hội có bộ luật riêng nhằm khắc phục những bất cập hiện hành.