(SGGP).- Ngày 4-11, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi giám sát về hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp đối với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xuất khẩu Lao động và Chuyên gia (Suleco).
Theo báo cáo của Suleco, vướng mắc duy nhất trong tiến trình cổ phần hóa đơn vị là không thể xử lý phần nợ tiền ký quỹ của người lao động xuất khẩu. Đó là khoản tiền 103 tỷ đồng của người lao động ký quỹ với Suleco trong quá trình đi hợp tác lao động ở các nước (tồn đọng kể từ năm 1996 đến nay), trong đó bao gồm: lao động sau khi hoàn thành hợp đồng đã ở lại nước ngoài, không về thanh lý hợp đồng đúng hạn, một số người chuyển địa chỉ không liên lạc được...
Nếu chiếu theo quy định về cổ phần hóa, số nợ không có chủ sẽ được đưa vào vốn chủ sở hữu khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Tuy nhiên, do đây là số nợ đặc thù, nợ của người lao động chứ không phải nợ trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, nên không thể đưa vào để tăng vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu đưa số tiền ký quỹ này vào để tăng vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp sau khi cổ phần không hoàn trả lại cho người lao động hết hạn hợp đồng trở về thì ai chịu trách nhiệm?
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã làm việc để giải quyết khó khăn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp của Suleco. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà đã đồng ý với kiến nghị của doanh nghiệp là chuyển giao số tiền 103 tỷ đồng và toàn bộ hồ sơ của hơn 5.000 lao động xuất khẩu sang cho công ty mẹ là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) quản lý. Sau này, HFIC có trách nhiệm xử lý, thanh lý hợp đồng với các lao động xuất khẩu theo quy định.
HÀN NI