Sẽ rà soát lại tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để đẩy mạnh hơn nữa quá trình này; thực hiện việc bán vốn nhà nước tại các DNNN lớn trên cơ sở hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN, nhà đầu tư. Đó là những quan điểm của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính).
Ách tắc do nguyên nhân chủ quan
* Phóng viên: Thưa ông, nhiều nhận định cho rằng, tiến độ CPH DNNN thời gian qua còn chậm và nguyên nhân là do bộ chủ quản chưa quyết liệt, sợ mất quyền. Ông nghĩ sao về điều này?
- Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: Điều đáng quan tâm là chất lượng DN sau CPH thay đổi quản trị chậm. Thực tế đã có thể nhìn thấy tại những DN như Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), CPH 8 - 9 năm nhưng không niêm yết và nội bộ lình xình. Hay DN sau CPH thua lỗ như Công ty CP Thép Thái Nguyên. Bộ Tài chính cũng nhận định, CPH chỉ là bước ban đầu còn chất lượng chưa thay đổi nhiều.
Những nguyên nhân khiến cho việc CPH chưa hoàn thành như kế hoạch vẫn là những vấn đề được nhắc đến và lặp đi lặp lại lâu nay, như: thị trường chứng khoán còn có những khó khăn; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm; khó khăn nội tại của nền kinh tế… nên nhu cầu các dòng vốn hạn chế, không bán được. Song, điều quan trọng nhất vẫn là nguyên nhân mang tính chủ quan. Điều đó thể hiện qua việc CPH nhưng chưa bàn giao vốn về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), DN sau CPH không lên niêm yết…
Thực tế, việc CPH của nhiều DN chưa triển khai tốt còn do lãnh đạo còn “tâm tư” vì khi Nhà nước bán hết thì “ở đâu”. Người ta tính toán sao cho vẫn ở lại DN hoặc ít nhiều có lợi ích ở đó nên việc CPH chậm.
Về bán vốn, quy trình, quy chế có rồi nhưng yếu tố chủ quan không thích nên DN tổ chức không mặn mà với việc bán vốn để CPH; còn nhà đầu tư thì đủ thông tin nên không mặn mà tham gia phiên đấu giá. Đó là các rào chắn cản trở sự tham gia của nhà đầu tư.
* Vậy Chính phủ, Bộ Tài chính có các giải pháp gì để thúc đẩy hơn nữa quá trình này?
- Đã có quy định tháo gỡ về việc thuê tư vấn quốc tế trong việc tư vấn DN và tới đây có thể họ sẽ tham gia vào tiến trình này với các DN lớn. Bên cạnh đó, những gì vướng sẽ tháo gỡ và rà soát. Việc chậm trễ CPH DNNN, Chính phủ đã phê bình trực tiếp rồi. Tới đây, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiến hành rà soát. Nếu tỉnh nào không đăng ký kế hoạch CPH và chậm sẽ xem xét lý do.
Sản xuất tại Sabeco trong KCN Tây Bắc Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
“Gác gôn” hạn chế thất thoát
* DNNN chậm CPH cũng là những DN có quy mô lớn, phức tạp, vậy việc đẩy nhanh quá trình này sẽ làm sao để hạn chế thất thoát?
- Trong cuộc họp của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh là DN chưa niêm yết thì phải niêm yết, đăng ký giao dịch. Việc đấu giá phải thực hiện công khai, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đấu giá mà không thành công thì phần còn lại đấu giá công khai hạn chế. Định giá lại DN, công khai minh bạch việc đấu giá sẽ đảm bảo giá trị mà Nhà nước thoái, quyền lợi cổ đông.
* Liên quan đến thoái vốn nhà nước, hiện nhà đầu tư đang quan tâm đến việc thoái vốn tại Sabeco, Habeco cũng như 10 DN lớn khác, trong đó có Vinamilk. Liệu điều này có ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thị trường?
- Với Sabeco, Habeco, hiện phần vốn nhà nước chưa bàn giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nên về mặt pháp lý, Bộ Công thương vẫn đại diện chủ sở hữu. Trong việc thoái vốn 2 DN bia này, Bộ Tài chính chỉ “gác gôn”, tham mưu, giám sát và nếu Bộ Công thương cần thì cho ý kiến. Chịu trách nhiệm chính trong việc thoái vốn này là Bộ trưởng Bộ Công thương, từ tìm tư vấn, đấu giá…
Về danh mục 10 DN thoái vốn, trong đó có Vinamilk, hiện SCIC đang xây dựng phương án và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì bắt đầu phải bán vốn nhà nước trong năm nay, 9 DN khác cũng như vậy. Còn nếu không bán được thì phải giải trình. Việc bán vốn cụ thể ra sao sẽ do SCIC trình phương án còn Bộ Tài chính là cơ quan giám sát. Do việc bán vốn Vinamilk nhạy cảm (quy mô Nhà nước nắm giữ lớn, thị giá cổ phiếu cao) nên việc bán phải thực hiện đúng quy trình. Với Vinamilk, tôi cho rằng, SCIC sẽ phải nghiên cứu việc bán vốn có thể không chỉ thực hiện ở Việt Nam mà còn cần mời chào nhà đầu tư quốc tế. Bởi thị trường trong nước khó mà hấp thụ hết phần vốn nếu Nhà nước thoái hết tại Vinamilk.
* Như vậy, có thoái được hết vốn Nhà nước trong năm nay, thưa ông?
- SCIC đang xây dựng phương án và sẽ thoái vốn bắt đầu từ năm nay theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên tắc là việc thoái vốn phải đảm bảo tối đa lợi ích của Nhà nước. Việc bán vốn có thể nhiều lần, 1 lần tùy theo diễn biến thị trường. Quan điểm của việc này là phải thận trọng. Tôi xin nhắc lại là ngoài lợi ích của Nhà nước thì còn đảm bảo tính ổn định thị trường.
* Xin cảm ơn ông
HÀ MY (thực hiện)