Có quyết sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức

Ngày 21-10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Trước phiên khai mạc, các Đại biểu Quốc hội đã tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có quyết sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức

Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

(SGGPO).- Ngày 21-10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Trước phiên khai mạc, các Đại biểu Quốc hội đã tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Có quyết sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp có vị trí đặc biệt quan trọng để chúng ta nhìn lại chặng đường gần ba năm qua, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác của ngành tư pháp, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, tệ nạn xã hội và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm trong năm 2014 và chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm để bảo đảm thúc đẩy phát triển đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, gần 3 năm qua, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và khả năng phục hồi chậm. Trong nước, lạm phát tăng, tồn kho, nợ xấu cao, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các địa phương và các doanh nghiệp, đến nay tình hình kinh tế - xã hội đã có bước chuyển tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất huy động giảm. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện... Đây là những tiền đề rất quan trọng để tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thảo luận và có những quyết sách kịp thời, đúng đắn, đồng bộ, tạo quyết tâm chính trị cao trong toàn dân để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tạo đà phát triển bền vững cho năm 2014 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sau khi dành thời gian thích đáng để tiếp tục tổ chức thảo luận dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với tinh thần chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục những vấn đề đặt ra. Văn bản pháp luật quan trọng thứ 2 cũng sẽ được xem xét, thông qua là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một đạo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của mọi người dân.

Bên cạnh các nội dung theo thông lệ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012”; tiến hành phê chuẩn nhân sự Chính phủ, bầu nhân sự một số cơ quan của Quốc hội và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Trong buổi sáng 21-10, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

  • Viên chức vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo này.

Theo Báo cáo, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành việc chuyển nội dung chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm. Nhiều ý kiến cho rằng không nên mở rộng áp dụng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động vì chưa phù hợp với năng lực quản lý của các cơ quan, tổ chức trong thời điểm hiện nay, có thể dẫn tới mất cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Pháp luật hiện hành cho phép các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Ảnh: Mai Hải

Pháp luật hiện hành cho phép các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Ảnh: Mai Hải

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, chỉ mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Có ý kiến cho rằng viên chức là đối tượng rất ít khi bị thất nghiệp, do đó đề nghị không nên quy định viên chức phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc cần có chính sách để sau khi về hưu họ được hưởng một khoản trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi theo nguyên tắc đóng – hưởng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 2, Luật Viên chức quy định viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến ngày 31-12-2012, tổng số viên chức thuộc khu vực sự nghiệp công có khoảng 1,792 triệu người, trong đó, số viên chức đóng bảo hiểm thất nghiệp là 1,783 triệu người, chiếm khoảng 21,36% tổng số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Cho ý kiến về dự án Luật Việc làm, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị chú trọng lồng ghép các quy định về bình đẳng giới và ưu tiên người khuyết tật vào luật này. “Luật cũng đã có quy định ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số, nhưng bao nhiêu là “nhiều”? Cần quy định rõ tỷ lệ”, bà Phương nói.

Tán thành cao quy định ưu đãi cho vay vốn đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số, song đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị mở rộng ưu đãi cho cả những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Bày tỏ sự không hài lòng về ý kiến đề nghị không giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, hội nghề nghiệp tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề vì dễ xảy ra tình trạng lợi dụng, không chính xác trong đánh giá, gây lãng phí; các đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định), Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) phản biện khá gay gắt.

Ông Nguyễn Văn Pha nói: Suy nghĩ này thể hiện tư tưởng độc quyền nhà nước cũng như sự thiếu hiểu biết về tổ chức chính trị xã hội”. Theo ông, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động, các hiệp hội và đoàn thể đã góp phần đào tạo hàng vạn công nhân, hàng triệu nông dân, nâng cao trình độ, tay nghề cho lực lượng lao động trên cả nước; không đủ căn cứ để nói “giao cho tổ chức này thì dễ bị lợi dụng”? Pháp luật hiện hành cũng đã cho phép các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ hoặc doanh nghiệp có đủ điều kiện được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề...

Ngày mai, 22-10, Quốc hội sẽ UBTVQH báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); nghe Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 và báo cáo về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng

>>Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo Kinh tế - xã hội

>>Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục