(SGGP).- Đó là quan điểm được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa nêu tại cuộc hội thảo về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Ông Nguyễn Đình Cung bảo vệ quan điểm cho rằng, thay đổi đầu tiên, quan trọng nhất và có tính đột phá của dự thảo luật lần này là không ghi ngành nghề trên giấy đăng ký kinh doanh. Quy định như vậy sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp khi kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm (nhưng không ghi trong giấy đăng ký); tăng cơ hội, giúp doanh nghiệp khai thác hết tiềm năng; đồng thời tránh tạo ra khả năng vận dụng pháp luật tùy tiện, trục lợi của nhà chức trách.
“Đặc biệt, với các ngành nghề bị hạn chế kinh doanh, chỉ tập hợp riêng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện để được kinh doanh đã lên tới hơn 1kg giấy tờ tài liệu! Nhiều hạn chế vô lý hoặc thiếu chính xác làm giảm cơ hội kinh doanh, tạo ra kẽ hở xin - cho. Việc tiếp cận cơ hội kinh doanh một cách chính đáng trở nên quá vất vả” - vẫn theo ông Nguyễn Đình Cung. Danh mục này có thể bỏ được khoảng 1/4 và cần chính xác hóa lại nhiều thuật ngữ.
Cho rằng dự thảo luật có rất nhiều đổi mới và đột phá, cải cách mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi đồng thời cụ thể hóa thực thi Hiến pháp… song một số đại biểu tham gia hội thảo vẫn cho rằng không nên dành chương riêng cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp xã hội. Công tác hậu kiểm cũng cần phải chế định trong dự thảo luật này. Đây cũng là những ý kiến đã được các vị đại biểu Quốc hội góp ý.
Theo dự kiến, sau khi được bổ sung, chỉnh lý, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XIII xem xét, cho ý kiến lần cuối trước khi thông qua tại kỳ họp thứ 8.
ANH THƯ