Cổ tích giữa đời thường

Anh Lê Văn Hồng, người Việt gốc Campuchia, đi theo tàu đánh cá ở vùng biển Phú Quốc khi đang lặn ở độ sâu 46m, bị tuột ống dẫn hơi nên choáng sốc. Khi đưa lên bờ, anh đã bị liệt 2 chân. Sau tai nạn trên, anh được chủ tàu cho người đưa lên Bệnh viện 175 (Gò Vấp, TPHCM). Chưa làm xong thủ tục nhập viện thì người đó biến mất…
Cổ tích giữa đời thường

Anh Lê Văn Hồng, người Việt gốc Campuchia, đi theo tàu đánh cá ở vùng biển Phú Quốc khi đang lặn ở độ sâu 46m, bị tuột ống dẫn hơi nên choáng sốc. Khi đưa lên bờ, anh đã bị liệt 2 chân. Sau tai nạn trên, anh được chủ tàu cho người đưa lên Bệnh viện 175 (Gò Vấp, TPHCM). Chưa làm xong thủ tục nhập viện thì người đó biến mất…

Anh nằm điều trị tại bệnh viện, do liệt 2 chi nên không xoay trở được, mông bị chai, lở loét. Điều làm tôi ngỡ ngàng, khi bắt gặp những nghĩa cử cao đẹp của tập thể y bác sĩ ở khoa nội nhân dân. Đại tá, bác sĩ trưởng khoa Nguyễn Minh Tính cho biết: “Đồng cảm với nỗi đau không có gì bù đắp được của anh Hồng, khi đang là một trung niên khỏe mạnh, bỗng chốc trở thành tàn phế suốt đời, lại không ai thân thuộc để chăm nuôi nên bệnh viện và khoa đã dành cho anh những ưu ái đặc biệt” (anh được cung cấp nhiều đơn vị máu, các loại thuốc đặc trị; được hưởng chế độ miễn phí 100%).

Chị Tố Trinh đang đút cháo cho anh Hồng.

Chị Tố Trinh đang đút cháo cho anh Hồng.

Nhưng đọng lại trong tôi là những hình ảnh chăm sóc quá đỗi thân thương của anh chị em trong nhóm Thiện Duyên của chị Mười Thu (tiểu thương chợ Trần Hữu Trang). Đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng viết về trường hợp thương tâm của anh Hồng, nhóm Thiện Duyên đã tìm đến bệnh viện để giúp đỡ anh và tình nguyện chăm sóc anh suốt thời gian điều trị.

Hàng ngày, chị Mười Thu (bán rau), chị Thảo (thợ may), chị Tố Trinh (nhân viên một công ty nước ngoài), anh Nguyễn Văn Nhiều (cán bộ Công ty Quản lý bay phía Nam), chị Dung và chị Cam (buôn bán trái cây)… thay nhau trò chuyện với anh Hồng để anh bớt mặc cảm thân phận. Họ lo lắng cho anh đủ thứ. Khi nhập viện, anh Hồng chỉ có duy nhất bộ quần áo mặc trên người. Thấy vậy, nhóm đóng góp mua 3 bộ quần áo cho anh thay đổi; kêu thợ đến bệnh viện hớt tóc cho anh.

Những lo toan của anh chị em dành cho anh như trên cả tình ruột thịt. Hàng ngày anh được các anh chị trong nhóm lau rửa, làm vệ sinh thân thể. Các anh chị trong nhóm còn trang bị cho anh cả điện thoại di động, radio, mua sắm từng chiếc nệm hơi đến chiếc gối ôm, bình thủy. Để giúp anh tăng sức đề kháng, ngoài phần sữa tiêu chuẩn của bệnh viện anh còn được nhóm mua sữa Ensure để bồi bổ, 2 thùng tã lót (500 cái/thùng) để thường xuyên thay, giữ vệ sinh vết lở loét.

Các anh chị trong nhóm còn đề nghị với bác sĩ trưởng khoa tăng cường cho anh các loại thuốc kháng sinh đặc hiệu, đặc trị mà ở bệnh viện không có như Metronidazol 500mg/100ml (điều trị nhiễm khuẩn nặng, kỵ khí nhạy cảm, chống nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn da và các cấu trúc da…). Họ đã mua cho anh 3 đơn thuốc bên ngoài thuộc các loại trên, mỗi đơn gần 1 triệu đồng để bác sĩ điều trị tăng cường cho anh mau lành bệnh.

Các anh chị trong nhóm cũng thay nhau bồng bế anh, đỡ anh, thay đổi tư thế nằm, ngồi cho thoải mái. Tôi lặng người đến thẫn thờ khi nhìn thấy chị Trang dịu dàng lau chùi những lớp mủ lở loét nồng nặc mùi, cạo râu, lau rửa toàn thân cho anh Hồng; chị Tố Trinh múc từng thìa cháo vừa đút vừa ép anh Hồng ăn, như những cô em gái dịu hiền đang chăm sóc cho người anh ruột thân thương của mình. Tôi chợt xúc động, tình người ở đây sao mà lung linh đến vậy! Đẹp biết bao những tấm lòng nhân ái ấy.

Nhìn chiếc bàn bên giường bệnh của anh Hồng, những quả nho đen, bánh kẹo và đầy đủ những vật dụng cần thiết của bao tấm lòng chia sẻ cùng anh, tôi đã nhận ra chân giá trị của cuộc sống, vẫn còn đó muôn vàn trái tim biết đập vì nhau!

Các anh chị trong nhóm từ thiện trên cũng đâu phải là người giàu có hay dư dả gì. Ngoài Tố Trinh và anh Nhiều có nhà riêng, còn tất cả đều ở phòng thuê 10m2. Hàng ngày họ cũng phải tất bật nỗi lo cơm áo gạo tiền như bao mảnh đời khác, nhưng đã hành xử như những thiên thần, biết dang tay chở che cứu giúp những người khốn khổ.
 
Xin cảm ơn các anh chị đã cho tôi những cảm xúc ngất ngây về một cõi người đầy bao dung nhân hậu. Và xin gửi đến bạn đọc thân thương của “Nhịp cầu nhân ái” câu chuyện cổ tích giữa… đời thường này, như một món quà đầu năm, một lời tri ân với nhiều mơ ước ngút ngàn, chan chứa tình người của Nhóm từ thiện Thiện Duyên. 

ĐẶNG CHÍ LỢI

Tin cùng chuyên mục