Ai có dịp đến Mũi Cà Mau, nơi chót cùng Tổ quốc, chắc sẽ ngạc nhiên bởi sự xuất hiện của một ngôi trường mẫu giáo khang trang tọa lạc ngay bìa rừng phòng hộ. Ngôi trường ấy được hình thành cách nay hơn 10 năm nhưng đằng sau nó là cả một câu chuyện “cổ tích giữa đời thường”.
- Tiếng gọi từ trái tim
Vào một ngày giữa năm 1999, cô Nguyễn Thanh Thêm đang làm Phó Hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở thị trấn Năm Căn thì người bạn công tác ở Bưu điện xã Đất Mũi đem con đến gởi học mẫu giáo. Cảm thông trước hoàn cảnh nhà bạn xa đến 45km đường sông, con mới 4 tuổi mà phải xa cha mẹ, ở nhờ nhà người thân để được học mẫu giáo, vì địa phương bạn chưa có trường, cô giáo Thêm quyết làm một chuyến “thực địa”.
Đến Đất Mũi, cô chứng kiến cảnh trẻ con nơi đây không có nơi vui chơi học tập, chủ yếu lang thang vọc bùn đất, mò cua bắt ốc, mình mẩy lấm lem… Hình ảnh ấy làm cô xúc động mạnh và lập tức một lá đơn tình nguyện về Đất Mũi mở trường mẫu giáo để có chỗ cho các em học hành, vui chơi được cô Thêm kê trên đầu gối viết ra ngay chuyến tàu trở về nhà.
Từ một cán bộ quản lý, ở nơi có khá đầy đủ phương tiện dạy và học, điều kiện sinh hoạt, đùng một cái ra đi, không khỏi để lại sự ngỡ ngàng và những lời bàn tán của bạn bè, đồng nghiệp. Cái khó hơn là 2 đứa con, một đang học cấp 2, một chưa đầy 2 tuổi phải giải quyết thế nào? Nhưng tình thương, trách nhiệm đối với những đứa trẻ lam lũ nơi chót mũi Cà Mau cứ thôi thúc cô. Cuối cùng, cô tạm gởi 2 con cho người thân và “dứt áo ra đi”.
“Đến Đất Mũi, ở Đất Mũi, công tác tại Đất Mũi tôi mới cảm nhận được bao khó khăn đang chực chờ. Lớp học không có, chỗ ở không có, điện, nước sinh hoạt cũng không”, cô Thêm bộc bạch.
Việc đầu tiên cô đến Đất Mũi là tham mưu với UBND xã cho mượn một phòng cũ của trụ sở UBND làm nơi dạy trẻ. Ban ngày làm lớp học, tối đến làm nơi sinh hoạt của cô. Bấy giờ, ở xứ sở tít mù xa này người dân còn rất xa lạ với khái niệm cho con đi học mẫu giáo; bởi họ nghĩ rằng đưa con đến đó chỉ là để ca hát vài bài, vừa tốn thời gian, công cán đưa rước, tốn tiền bạc… là không cần thiết. Nhiều phụ huynh còn không an tâm vì giao con còn nhỏ cho người khác coi sóc ngoài mình. Bằng sự kiên trì, tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Thêm đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động. Và lớp học đầu tiên được ra đời với 24 trẻ. “Tôi vui đến rớt nước mắt”, cô Thêm bày tỏ.
Để có nước sinh hoạt và vệ sinh cho các cháu, cô phải đi chở ở nhà dân cách trường 3 - 4km. Đặc thù ở vùng Đất Mũi, hàng năm cứ vào khoảng tháng 10 - 12 là mùa thủy triều dâng cao ngập lớp học, phù sa kèm với các loại rác, rắn rết, côn trùng cũng vào theo. Mỗi lần nước ngập, kéo dài đến 3 - 4 ngày, mỗi tháng có đến 2 đợt nước ngập, cô phải chờ nước rút, dọn dẹp, lau chùi cho khô rồi mới dạy học được và chưa kể bao nhiêu khó khăn khác…
Một điều dở khóc dở cười nữa là những ngày đầu đến trường, do xa cha mẹ, thấy cô giáo lạ, các cháu cứ khóc như đàn ong vỡ tổ rồi bỏ chạy trốn. Lúc ấy phòng học tạm không có hàng rào, học trò lại đông, một mình cô quán xuyến rất vất vả. Thậm chí, có cháu chạy vào rừng rồi ngủ quên dưới gốc cây, cô và gia đình tìm mãi mới gặp. Dẫu thế, đã xác định “dấn thân” nên cô quyết kiên trì.
- Chắt chiu quả ngọt
Có học sinh đến trường chưa phải đã thành công, làm thế nào để tạo điều kiện cho các cháu có môi trường học hành tương đối tốt, có tiến bộ khi đi học mẫu giáo để làm nền tảng, tạo được sự yên tâm, niềm tin ở phụ huynh mới là mục tiêu. Từ 1 phòng học, cô tham mưu với chính quyền địa phương cho cô sử dụng hết 3 căn phòng còn lại của trụ sở cũ của UBND xã để cải tạo, mở rộng “cơ ngơi”. Cô tích cực vận dụng mọi nguồn lực, từng bước khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất. Năm 2002, Trường Mẫu giáo Đất Mũi chính thức được thành lập. May mắn hơn, cô được Ban quản lý vùng đệm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, UBND huyện, UBND xã và nhân dân nhiệt tình ủng hộ với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng xây dựng ngôi trường tương đối khang trang với 5 phòng học ở địa điểm mới.
“Có thầy giỏi mới có trò giỏi”, trong chỉ đạo công tác giảng dạy cô luôn thực hiện phương châm lấy chất lượng để duy trì số lượng. Để thực hiện được điều này cô luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bằng nhiều hình thức như xây dựng, góp ý giáo án, dự giờ, tổ chức tiết dạy mẫu, mở chuyên đề bồi dưỡng giáo viên… Nhờ vậy, trường luôn được xếp loại khá trở lên.
Những năm trước đây, trường thiếu giáo viên, việc vận động giáo viên về vùng sâu dạy là rất khó. Nhưng khi giáo viên về rồi, giữ được giáo viên ở lại càng không dễ. Vì điều kiện quá vất vả nên người bỏ việc, người xin chuyển đi nơi khác. Có những cô giáo chỉ dạy được 4 ngày đã bỏ việc. Cô phải nhẫn nại gặp gỡ từng giáo viên trao đổi, phân tích cho giáo viên hiểu sự cần thiết và ý nghĩa khi phục vụ trẻ em vùng sâu, nhiều thiệt thòi. Từ sự chân tình của cô mà 3 giáo viên bỏ nghề, chuyển công tác đều trở lại trường và phấn đấu công tác tốt. Giờ đây, họ là những giáo viên giỏi cấp huyện và tỉnh, trong đó có 2 cô được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý.
Chất lượng giáo dục cũng ngày một tăng lên, hàng năm tỷ lệ bé khỏe bé ngoan cấp huyện luôn đạt xấp xỉ 50%; năm học 2010-2011 có 12 cháu đạt bé khỏe bé ngoan cấp tỉnh, năm học 2011-2012 con số này là 16 cháu. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động phong trào như văn nghệ, trò chơi an toàn giao thông… được phụ huynh và dư luận khen ngợi, ủng hộ tích cực. Đặc biệt, năm học 2009-2010, trường vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc. Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong 7 trường mẫu giáo của huyện Ngọc Hiển vinh dự được nhận thành tích này. Bản thân cô Thêm 6 lần đạt giáo viên giỏi cấp huyện và tỉnh, 3 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được Bộ GD-ĐT tặng thưởng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Cô cũng là đại biểu duy nhất của tỉnh Cà Mau được mời tham dự hội nghị “Gặp mặt biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8 và 9-11-2012.
Hơn 13 năm thành lập, từ một căn phòng chật hẹp chỉ 1 lớp với 1 giáo viên, trở thành ngôi trường tương đối khang trang với 8 cán bộ, giáo viên, 5 lớp học, 124 trẻ, có sân chơi, quang cảnh thoáng mát là sự nỗ lực không mệt mỏi của cô giáo Nguyễn Thanh Thêm, là minh chứng cho sự thành công của cô trong việc chinh phục “rào cản lòng người”. Bí quyết đạt được thành quả trên, theo cô Thêm, phải làm việc bằng cả tấm lòng, sự công tâm và nhiệt huyết!
KHÁNH PHƯƠNG - HUYỀN ANH