Nhiều người ở Hội Người mù TPHCM gọi HLV judo Trần Mai Thúy Hồng là “cô tiên” vì những đóng góp và hy sinh thầm lặng của cô giúp những người không thấy ánh sáng tìm đến với võ thuật...
Bốn năm trời gắn bó với phong trào võ thuật người khiếm thị, cô bé nhỏ nhắn, lý lắc của judo quận 3 - TPHCM ngày nào đã trở thành một HLV chững chạc, nghiêm túc nhưng luôn nở nụ cười. Năm 2000, Thúy học Đại học Sư phạm TPHCM ngành giáo dục thể chất. Năm 2003, sau khi được Phòng Thể dục Thể thao quận Tân Bình cử sang Malaysia học một khóa ngắn hạn về phương pháp giảng dạy và phân loại thương tật cho các VĐV khiếm thị, Thúy Hồng bắt đầu ấp ủ dự định dạy judo cho người khuyết tật.
Từ ý tưởng của Đoàn TNCS HCM Sở TDTT TPHCM về việc giảng dạy judo cho người khiếm thị, Thúy Hồng đã nhiệt tình tham gia. Và trong thời gian đó, tình yêu cũng đã đến khi chị se duyên cùng người đưa ra ý tưởng thành lập các lớp võ trên, đó là HLV Lý Đại Nghĩa, khi ấy là Bí thư Đoàn Sở TDTT TPHCM.
Dạy võ cho người lành lặn đã khó, đằng này là dạy võ cho người khiếm thị! Nhiều khi thầy dạy một đằng, học trò lại tập một nẻo nên Thúy Hồng phải lập sẵn một giáo trình “nói”: thực hiện động tác bằng lời nói và dùng tay uốn nắn từng động tác cho học trò.
Lớp học của Thúy Hồng có lúc hơn chục học viên, có em vừa khiếm thị lại vừa mắc chứng động kinh, điếc và có cả những em bị thiểu năng trí tuệ cũng tìm đến học. Hàng ngày, sau giờ làm việc hành chính ở Sở TDTT TPHCM, Thúy Hồng lại phóng xe về Hội Người mù TPHCM mải miết tập luyện với những học trò đặc biệt của mình.
Để có được phương pháp “Mô phạm xúc giác” giảng dạy cho các võ sinh khiếm thị của mình, hàng ngày Thúy Hồng và chồng là võ sư judo Lý Đại Nghĩa lên Internet để theo dõi thông tin judo người khiếm thị, vừa nghiên cứu các bài tập để từ đó hình thành nên giáo án giảng dạy riêng cho mình. Để rồi sau đó, cô học trò nhỏ Triệu Thị Nhỏi đã nhận được tấm vé dự Thế vận hội Bắc Kinh 2008 dành cho người khuyết tật.
Thúy Hồng tâm sự: “Tôi chỉ mong muốn góp một phần sức lực nhỏ nhoi của mình giúp các em hòa nhập vào cuộc sống, hòa nhập vào xã hội. Với người khiếm thị, phải biết lắng nghe, chúng ta mới thấu hiểu!”.
Những ngày này, Thúy Hồng lại khá bận rộn và di chuyển như con thoi để tổ chức giải thể thao người khuyết tật TPHCM năm 2011. Các học trò của Thúy Hồng gọi cô là “Cô tiên giữa đời thường”. Thúy Hồng đã viết nên câu chuyện cổ tích thật ý nghĩa - câu chuyện mang đến ánh sáng cho những người khiếm thị yêu judo.
Hà Huy Tường