Có tiếp tục khai khống để được chỉ tiêu?

Thêm ngành, tăng chỉ tiêu

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2014

Thời điểm này các trường đại học, cao đẳng bắt đầu tự xác định chỉ tiêu để báo cáo Bộ GD-ĐT chuẩn bị mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. 2 tiêu chí quan trọng để xác định chỉ tiêu và mở ngành là giảng viên, diện tích sàn xây dựng. Tuy nhiên, thực tế khá nhiều trường không đủ 2 tiêu chí trên nhưng vẫn khai khống để được chỉ tiêu.

Thêm ngành, tăng chỉ tiêu

Hiện nay, nhiều trường đã hoàn tất tự xác định chỉ tiêu cho mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Đáng nói là trong năm 2014, nhiều trường dự kiến mở thêm ngành, tăng chỉ tiêu. Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, năm 2014 trường xác định 4.050 chỉ tiêu (tăng 50 chỉ tiêu) và dự kiến sẽ tuyển sinh thêm 3 ngành mới gồm: Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành tiếng Anh thương mại), Khoa học dinh dưỡng, Công nghệ may và Thiết kế thời trang. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết trường dự kiến tăng chỉ tiêu so với năm 2013 vì mở thêm ngành Khoa học môi trường.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đại học và sau đại học (ĐH Quốc gia TPHCM), năm 2014 chủ trương của ĐH Quốc gia TPHCM là giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH và tăng chỉ tiêu sau đại học. Tuy nhiên, theo thông tin mà các trường thành viên đã báo cáo, một số trường dự kiến mở thêm ngành mới. Điều này không có nghĩa là mở ngành mới là tăng chỉ tiêu mà Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM sẽ xem xét kỹ và điều chỉnh theo hướng giảm chỉ tiêu ở một số ngành để cho tổng chỉ tiêu không có nhiều biến động.

Mặt khác, từ năm 2013, chủ trương của Bộ GD-ĐT là giữ ổn định quy mô tuyển sinh so với những năm trước đây. Trong năm 2013, tổng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ tăng khoảng 6% so với năm 2012. Đây có thể xem là mức tăng chỉ tiêu thấp so với nhiều mùa tuyển sinh trước đó, tăng tối thiểu là 10% so với năm trước.

Có khai khống?

Các đợt thanh tra về công tác xác định chỉ tiêu gần đây đã phát hiện hàng loạt trường khai man, thậm chí “qua mặt” Bộ GD-ĐT. Điển hình như việc xác định chỉ tiêu của Trường CĐ ASEAN năm 2011 và năm 2012. Sau khi Báo SGGP phản ánh việc trường tuyển sinh “chui” hàng trăm sinh viên, Bộ GD-ĐT đã vào cuộc và thanh tra toàn diện việc tuyển sinh của cơ sở này.

Tại thời điểm 31-12-2011, trường chỉ có 33 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, quy đổi là 44,2 sinh viên/giảng viên. Tổng quy mô năm 2012 trường có thể đào tạo là 884. Nhưng thực tế trường đã tự xác định chỉ tiêu chính quy năm 2012 và được Bộ GD-ĐT thông báo là 1.850 chỉ tiêu, vượt năng lực thực tế là 1.135 chỉ tiêu.

Tại thời điểm 31-12-2012, trường có 89 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, quy đổi là 105 sinh viên/giảng viên; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo: 11.836m2. Dự kiến tốt nghiệp năm 2013 là 60 học sinh. Năng lực đào tạo của trường năm 2013 là 2.100 học sinh, sinh viên trong khi thực tế sinh viên của trường lên đến 3.313, đạt tỷ lệ 31,55 sinh viên/giảng viên quy đổi. Như vậy, trường đã vượt năng lực đào tạo là 1.153 sinh viên, điều này đồng nghĩa với việc trường không còn năng lực tuyển sinh. Thế nhưng trong năm 2013, trường vẫn tự xác định đến 4.300 chỉ tiêu!

Mới đây, Bộ GD-ĐT chính thức công bố kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường ĐH, CĐ của 24 trường. Tại thời điểm kiểm tra, số lượng giảng viên cơ hữu ở nhiều trường không đảm bảo. Trong số 24 trường đã kiểm tra thì có 10 trường dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn. Đặc biệt, 3 trường có số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người như Trường ĐH Nguyễn Trãi, có 55 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, Trường ĐH Văn Hiến có 52 giảng viên, Trường ĐH Hà Hoa Tiên có 59 giảng viên… Đáng báo động hơn là 41 ngành không có tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu. Thậm chí nhiều giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

GS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Các trường phải tự xác định chỉ tiêu đúng theo Thông tư 57 mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Nếu trường nào khai man, gian dối bộ sẽ xử phạt nghiêm bằng cách dừng tuyển sinh và cắt giảm chỉ tiêu. Ngoài ra, chủ tịch hội đồng tuyển sinh là người chịu trách nhiệm trước tiên”.

Theo Bộ GD-ĐT, trong tháng 12-2013, bộ sẽ tổ chức hội nghị tuyển sinh để cùng các trường “gút” các phương án tuyển sinh năm 2014. Theo đó, năm 2014 dự kiến sẽ có nhiều thay đổi như: ban hành quy chế tuyển sinh từ tháng 1-2014; giảm điểm ưu tiên đối tượng ưu tiên khu vực, ưu tiên vùng; trong 17 trường đề xuất phương án tuyển sinh riêng sẽ được bộ xem xét cụ thể, trường nào có phương án khoa học, hợp lý sẽ được cho thi riêng, đồng thời sẽ xem xét cho các trường tổ chức thi nhiều đợt. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết, tất cả các phương án điều chỉnh chỉ là dự kiến, mọi thay đổi sẽ được công bố trong hội nghị tuyển sinh trong tháng 12 này.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục