Có xử lý được “chiêu” đấu giá từ thiện để lấy tiếng rồi xù?

Chiều 9-11, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Đấu giá. Các ý kiến tại tổ ĐBQH TPHCM nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ được quyền lợi của cả hai bên: bên có tài sản đấu giá cũng như bên trúng đấu giá

(SGGPO).- Chiều 9-11, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Đấu giá. Các ý kiến tại tổ ĐBQH TPHCM nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ được quyền lợi của cả hai bên: bên có tài sản đấu giá cũng như bên trúng đấu giá.

Đồng tình cao với việc xây dựng, ban hành Luật này, ĐB Trần Du Lịch lưu ý cơ quan soạn thảo, thẩm tra giải quyết được hai vướng mắc rất phổ biến hiện nay trong hoạt động đấu giá. Đó là việc ngăn chặn tình trạng “quân xanh quân đỏ” để ép giá, dìm giá tài sản và việc người trúng đấu giá tuy đã trả hết tiền cũng rất trầy trật không lấy được tài sản đã mua.

Một tình trạng nữa cũng rất khó xử lý hiện nay, theo ĐB Trần Du Lịch là đấu giá từ thiện chỉ để PR, đánh bóng danh tiếng; đẩy giá lên cao rồi sau đó “xù”, không mua thật. “Ai chịu trách nhiệm cưỡng chế thực thi việc ký kết, bàn giao tài sản đã được mua qua đấu giá, nếu bên có tài sản không hợp tác? Ai chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đấu giá (đã bị cầm cố ở nơi khác chưa, có tranh chấp hay không)?”, ĐB Trần Du Lịch nêu vấn đề.

Vẫn theo ĐB Trần Du Lịch, dự thảo Luật “không nên vội vàng quy định tới đây chỉ có 2 loại công ty tổ chức hoạt động đấu giá. Cần duy trì cả hình thức Trung tâm đấu giá do Nhà nước thành lập ở những địa phương chưa đủ điều kiện xã hội hóa 100% hoạt động này. Bên cạnh đó, ĐB Trần Du Lịch cũng đồng tình mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật này cho cả công ty mua bán nợ và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Qua phân tích tiêu chuẩn đấu giá viên được quy định tại dự thảo, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, không nên miễn yêu cầu trải qua khóa đào tạo về nghiệp vụ đấu giá cho đối tượng là kế toán viên. Với các công ty hoạt động trong lĩnh vực đấu giá, đề nghị ít nhất phải có 2 đấu giá viên trở lên. Về mức đặt cược khi tham gia đấu giá, ĐB Trần Hoàng Ngân đồng tình hướng quy định nâng mức tiền cược, nhưng còn băn khoăn: “Trong trường hợp không công khai giá khởi điểm của tài sản đấu giá thì căn cứ vào đâu quy định tiền đặt cược?"

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa thì đặt câu hỏi: “Dự thảo luật quy định khi bán tài sản cố định của DN do Nhà nước nắm giữ 100% thì phải tổ chức đấu giá. Nếu  tài sản của DN mà Nhà nước nắm từ 51% trở lên (chưa đến 100%) thì có phải đấu giá không? Bán tài sản vô hình (như giá trị thương hiệu) có phải đấu giá không”? Ngoài các nguyên tắc đã nêu tại dự Luật, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị bổ sung nguyên tắc đảm bảo công bằng trong khả năng tiếp cận của các bên tham gia đấu giá để có thể đánh giá đúng giá trị tài sản được đem ra đấu giá…

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục