Có xuê xoa chuyện đặt tên đường?

Trùng lắp…
Có xuê xoa chuyện đặt tên đường?

Dù đã bước sang nửa cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhưng xem ra vẫn còn nhiều điều để nói về tên đường tại TPHCM. Trong đó, nhược điểm lớn nhất và phổ biến nhất trong hệ thống tên đường lâu nay của thành phố, đó là sự trùng lắp, dễ dãi hoặc khó hiểu.

Tên đường Kênh Tân Hóa tại quận Tân Phú. Ảnh: CAO THĂNG

Trùng lắp…

Tên đường trên địa bàn TPHCM bị trùng lắp là điều rất dễ kiểm chứng, bởi vấn đề này hiện diện rất phổ biến ở nhiều nơi, nhiều quận huyện, từ khu trung tâm sầm uất cho đến vùng ven, quận mới lẫn các huyện ngoại thành. Cùng là tên của danh tướng Trần Bình Trọng, người có công hộ giá bảo vệ vua Trần Thánh Tông trong cuộc chiến với quân Nguyên - Mông vào năm 1285, nhưng người ta có thể tìm thấy tên trên các con đường ở phường 4 quận 5, phường 1 quận Gò Vấp, phường 1 quận 10, phường 5 quận Bình Thạnh và thị trấn Hóc Môn thuộc huyện Hóc Môn.

Tương tự, rất nhiều địa phương đã chọn đặt tên đường là Ngô Quyền, người nổi tiếng với thắng lợi vẻ vang trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938, chính thức kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho đất nước. Có thể nhắc đến tên đường Ngô Quyền ở phường 9 quận 5, phường 8 quận 10, phường Tân Thành quận Tân Phú,  phường Hiệp Phú quận 9, tại thị trấn Hóc Môn của huyện Hóc Môn… Trong khi đó có ít nhất 3 nơi tại phường 10 quận 5, phường 3 quận Bình Thạnh và phường 11 quận 8 chọn đặt tên đường là Vạn Kiếp, một địa danh thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương - nơi mà năm 1285, danh tướng Trần Hưng Đạo đã chỉ huy trận đánh nổi tiếng với quân Nguyên do Thoát Hoan cầm đầu, đang xâm lược Việt Nam.

Những tên đường trùng lắp như Trần Bình Trọng, Ngô Quyền, Vạn Kiếp nêu trên đáng tiếc không phải là hiếm hoi, cá biệt bởi vì danh sách những tên đường trùng lắp tương tự trên địa bàn thành phố còn dài, liệt kê không xuể.

Đành rằng, mục đích khi chọn đặt những tên đường ấy bởi đó là những cái tên quá nổi tiếng và nhằm lưu danh những nhân vật lịch sử hoặc địa danh, dấu mốc hào hùng, oanh liệt trong suốt dặm dài lịch sử 4.000 năm văn hiến của dân tộc, nhưng sự trùng lắp 2, 3 lần thì còn có thể hiểu được, đằng này lặp đi lặp lại 5-7 lần chỉ trong một thành phố thì ít nhiều cũng phản ánh sự hạn chế hoặc xuê xoa dễ dãi quá mức cần thiết.

Khó đọc, khó nhớ

 

* Từ 5 năm trước, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM đã nhận định: Có một loạt việc cần làm ngay để giảm thiểu và dẫn tới chấm dứt tình trạng đặt tên đường dễ dãi, hỗn độn. Chẳng hạn, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cần sớm chốt lại vấn đề đặt tên đường tạm cho các khu dân cư, khu đô thị mới; UBND các quận huyện rà soát lại, cập nhật các tuyến đường đã và đang cần đặt tên; Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch TPHCM hướng dẫn thủ tục nhằm hỗ trợ chính quyền các địa phương trong việc đặt tên đường…

 

Không rõ do muốn đơn giản hóa hay muốn tạo ra sự bí hiểm mà thành phố đang có những tên đường kiểu như Trần Hưng Đạo và Trần Hưng Đạo B, chạy dọc theo các quận 1 và quận 5, dù rằng chỉ có một nhân vật lịch sử là Trần Hưng Đạo. Hoặc có những tên đường kiểu như Đường TMT 13 ở quận 12. Đường TMT 13 chỉ có thể là chuyện bình thường với người dân tại chỗ nhưng lại khó hiểu, khó nhớ với người ở các quận huyện khác vì đó hình như là từ viết tắt của tên phường (Đường TMT 13 thuộc phường Trung Mỹ Tây, quận 12 - PV).

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một hiện tượng mới nổi lên vài năm gần đây: Xu hướng đặt tên đường theo các số đếm hoặc kết hợp cùng lúc vừa chữ vừa số đếm. Tiêu biểu là những con đường: Đường số 1, Đường số 2, Đường số 3… hoặc Đường D1, Đường D2, Đường D5… Vì cùng thích chọn số đếm hoặc kết hợp vừa chữ vừa số đếm làm tên đường nên sự trùng lắp tràn lan là không tránh khỏi. Chẳng hạn, tên Đường số 2 đã được chọn ở hầu hết các quận huyện khắp thành phố, thậm chí nhiều phường xã của cùng một quận huyện đều có Đường số 2 như tại các phường Tân Kiểng, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Phú thuộc quận 7. Còn Đường D2 thì được đặt tại các phường Trường Thạnh, Tăng Nhơn Phú A, Hiệp Phú cùng thuộc quận 9.

Việc đặt tên đường bằng số đếm hoặc kết hợp vừa chữ vừa số đếm không hề sai nhưng nó cũng ít nhiều phản ánh sự dễ dãi, xuê xoa, thậm chí xuê xoa quá mức nếu biết rằng một trong những ý nghĩa lớn nhất của việc đặt tên đường là ghi nhận, lưu danh những danh nhân, anh hùng hoặc những địa danh, sự kiện lịch sử của dân tộc. Chính bởi ý nghĩa này mà có những tên đường như Bạch Đằng, Đống Đa, Vạn Kiếp, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… Với dặm dài lịch sử dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước suốt 4.000 năm văn hiến, nếu bảo rằng không đủ tên danh nhân, địa danh, sự kiện lịch sử để chọn đặt tên đường, suy cho cùng đó chỉ là một lời bào chữa gượng gạo, không thuyết phục.

Hơn 10 năm trước, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM (tiền thân là Sở Giao thông Công chính thành phố), đã đốc thúc các Khu quản lý giao thông đô thị phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai công tác chuẩn hóa, đặt tên số hiệu đường bộ theo chỉ đạo của UBND TPHCM và hướng dẫn của Bộ GTVT. Thế nhưng, từ đó đến nay, công tác chuẩn hóa, đặt tên đường xem ra vẫn còn dang dở. Một trong những nguyên nhân là bởi số lượng các tuyến đường được xây dựng, nâng cấp, mở rộng tại các khu dân cư, khu đô thị mới ngày càng tăng, trong khi số đường được đặt tên hàng năm lại hạn chế. Thêm vào đó, hiện TPHCM vẫn chưa có quy định cụ thể cho việc đặt tên đường tạm thời tại các khu dân cư, khu đô thị mới. Chính từ đây mới có những tên đường tự phát - do người dân tại chỗ hoặc từ chính quyền địa phương nghĩ ra.

Xem ra, khi nhân loại sắp bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, nhưng ở ta, các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm chung quanh chuyện đặt tên đường phố.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục