Hàng loạt dự án căn hộ thương mại tại TPHCM và Hà Nội đang được làm thủ tục xin chuyển sang làm nhà ở xã hội để hưởng “gói” hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên, không phải cứ mua nhà xã hội là được ngân hàng cho vay, trong khi đó nhiều dự án nhà ở thương mại cũng dao động trên dưới 10 triệu đồng/m² đã xây dựng sẵn… Nhiều ý kiến băn khoăn, không khéo nhà ở xã hội sẽ theo vết xe đổ của nhà ở thương mại hiện nay.
“Hóa kiếp” nhà ở thương mại
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết tại TPHCM, 12 doanh nghiệp trên địa bàn đã nộp hồ sơ (đủ thủ tục) về sở xin chuyển dự án nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội. Trước đó, Sở Xây dựng thống kê sơ bộ có hơn 30 doanh nghiệp đăng ký chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để hưởng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Theo Sở Xây dựng, trong số hơn 30 dự án nói trên, chỉ 2 dự án hoàn thành công tác đầu tư (tức đã xây dựng xong) là khu căn hộ 584 (huyện Bình Chánh) và dự án Lan Phương MHBR Tower (huyện Thủ Đức); 5 dự án đang triển khai là chung cư Anh Tuấn (huyện Nhà Bè), khu căn hộ 584 (quận Gò Vấp)… Tuy nhiên, trong các dự án này, có dự án đã ngưng thi công như dự án căn hộ 584 Gò Vấp sau khi ép cọc thử tải và một phần tường vây quanh dự án đã ngưng thi công từ năm 2011 cho đến nay.
Các dự án còn lại đã hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chưa khởi công; một số khác chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng… Điều này cho thấy, phần lớn dự án xin được chuyển đổi vẫn còn nằm trên giấy hoặc “trùm mền”.
Ngoài ra còn có một số dự án được chủ đầu tư xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ như dự án Thái An (Gò Vấp) của Công ty Đất Lành, dự án chung cư Tân Tạo 1 (Bình Tân) của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh, chung cư 91 Phạm Văn Hai (Tân Bình) của Công ty cổ phần XNK Tân Bình; một chung cư thương mại khác xin chuyển sang làm bệnh viện (quy mô 500 giường) là dự án chung cư tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) do Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết do doanh nghiệp trong quá trình nộp hồ sơ xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội chưa làm đúng biểu mẫu hồ sơ, chưa đưa ra giá bán… nên buộc phải hoàn trả hồ sơ để hoàn chỉnh. Bởi với dự án nhà ở xã hội, người mua và người bán sẽ được ưu đãi một số chính sách nói chung cũng như gói 30.000 tỷ đồng của chính phủ vừa ban hành.
Coi chừng “bội thực”
Doanh nghiệp có dự án xin tham gia gói 30.000 tỷ đồng với hy vọng được hỗ trợ trong quá trình đầu tư cũng như khách hàng mua dự án sẽ được vay ưu đãi. Trong bối cảnh suy thoái của thị trường và sự cạn kiệt về tài chính của chủ đầu tư gói 30.000 tỷ đồng có thể được xem là giải pháp hỗ trợ hữu hiệu. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như nhiều người nghĩ. Trong số 30.000 tỷ đồng, chỉ 30% dành cho doanh nghiệp, 70% dành cho người mua nhà. Nếu tất cả các dự án trên được vay (chưa kể trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác), rõ ràng gói 30.000 tỷ đồng chưa thấm tháp gì với nhu cầu của doanh nghiệp.
Xác nhận với PV Báo SGGP, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn TPHCM được ngân hàng “giải ngân” từ gói hỗ trợ trên. Còn với người mua nhà, không phải cứ mua nhà ở xã hội là được vay ưu đãi 6% từ gói 30.000 tỷ đồng, mà ngân hàng còn phải thẩm định khả năng trả nợ của người vay.
Ông Trương Minh Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà TP, cho rằng việc thỏa thuận giá cả là điều rất quan trọng, nếu giá cao quá rất dễ dẫn đến việc không bán được và nhà đầu tư sẽ “sa lầy”. Bởi để hưởng được những ưu đãi khi tham gia chương trình nhà ở xã hội, doanh nghiệp sẽ bị khống chế mức lợi nhuận tối đa 10%. Do đó cơ quan chức năng sẽ kiểm toán đầu ra, đầu vào của dự án để duyệt giá thành, giá bán… rất phiền hà. Đây là điều doanh nghiệp rất ngán khi tham gia chương trình này.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu TPHCM ban hành chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên có doanh nghiệp đã tham gia nhưng rồi xin rút lui “chương trình ưu đãi” vì thủ tục quá phiền hà. Thậm chí có dự án TP đã đăng ký mua để phục vụ chương trình nhà cho người thu nhập thấp nhưng cũng phải rút lui vì không có ngân sách như dự án KDC Thới An (quận 12) do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Gia Định làm chủ đầu tư. Mới đây doanh nghiệp này tiếp tục xin Sở Xây dựng cho phép chuyển thành nhà ở xã hội với hy vọng từ gói 30.000 tỷ để dự án không bị treo quá lâu.
Theo nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh TP còn tồn hơn 12.000 căn hộ thì việc cho xây mới nhà ở xã hội phải hết sức cân nhắc, nếu không thận trọng thì năm bảy năm nữa, có khi chính nhà ở xã hội đi vào vết xe đổ của hàng tồn kho nhà ở thương mại như bây giờ.
* Theo thống kê của UBND TPHCM, đến cuối năm 2012 thành phố còn tồn khoảng gần 14.500 căn hộ và hơn 300.000m² đất nền, ước tính trị giá hơn 30.000 tỷ đồng.
ĐỖ TRÀ GIANG