1 Một lần nữa, sau trận đụng độ U.23 Đông Timor tuyển U.23 Việt Nam lại gây thất vọng cho người hâm mộ tại quê nhà, mặc dù sau chiến thắng 2-0 tối thứ tư vừa rồi, chiếc vé vào bán kết giải bóng đá SEA Games 26 gần như chắc chắn đã nằm trong túi thầy trò Goetz.
Điều bất ngờ là chúng ta rơi vào một bảng đấu rất dễ thở nhưng lại vượt qua quá đỗi nhọc nhằn. Điểm số đang ủng hộ chúng ta nhưng lối chơi đang nói điều ngược lại. Trước tiên phải thừa nhận trình độ của các đội bóng Đông Nam Á ngày càng xích lại gần nhau: qua chính sách nhập tịch ngoại binh, Philippines hay Đông Timor không còn là những chú lùn trong khu vực. Nhưng cho dù như vậy, ở thời điểm hiện tại họ vẫn còn một khoảng cách nhất định so với các thế lực truyền thống như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore hay Việt Nam.
Trong bóng đá không có những đôi hia bảy dặm. Đông Timor bên Á cũng như Manchester City bên Âu phải cần nhiều hơn một mùa bóng để đội hình có thể dung nạp và dung hòa các “tế bào lạ” vừa được cấy vào cơ thể. Thế nhưng chúng ta vẫn đương đầu với các đối thủ bảng B một cách trầy trật. Do đâu?
2 Điều dễ thấy nhất, vì lịch sử vẫn chưa lùi quá xa: Việt Nam không có khả năng, vì vậy không có thói quen áp đặt trận đấu lên đối phương. Những thành tích bóng đá Việt Nam gặt hái được trong vòng 15 năm trở lại đây, tính từ chiếc huy chương bạc ở SEA Games 18 tại Chiang Mai, đều đến từ lối đá phòng ngự phản công. Ở Chiang Mai năm nào, Việt Nam vượt qua Indonesia ở trận cuối vòng bảng và Myanmar ở bán kết trong hoàn cảnh bị đối phương ép đến tức thở.
Trận thắng lịch sử 3-0 trước Thái Lan ở Tiger Cup 1998 cũng là chiến tích của bóng đá phản công dù Việt Nam được chơi trên nhà. (Ngay sau đó, khi đá với Singapore với tư thế “kèo trên” trong trận chung kết, chúng ta đã thất bại đau đớn). Từ HLV Weigang đến HLV Riedl, tuyển Việt Nam chỉ quen đá phản công. Thành tích thắng UAE và hòa Qatar trên sân Mỹ Đình ở Asian Cup 2007 để lọt vào 8 đội xuất sắc nhất giải cũng được Riedl xây dựng trên lối đá sở trường này.
Tới triều đại Calisto, lối đá này càng được chắp cánh, vì Calisto là bậc thầy về chiến thuật phòng ngự phản công: đội Đồng Tâm Long An của ông dựa vào lối đá này mà lên ngôi vô địch V-League tới những hai lần.
Đội tuyển Việt Nam mặc chiếc áo “phòng ngự phản công” do ông Calisto cắt may vừa vặn và thích hợp đến mức họ đoạt chức vô địch Đông Nam Á 2008 rồi mà người hâm mộ nước nhà chưa hết sửng sốt. Nhưng nếu trí nhớ không quá ngắn, chúng ta sẽ thấy rằng tuyển Việt Nam đoạt cúp năm đó nhờ hai trận thắng Singapore ở bán kết và Thái Lan ở chung kết trên sân đối phương bằng lối chơi phòng ngự phản công sắc bén.
Khi đá các trận lượt về trên sân Mỹ Đình, buộc phải chơi tấn công với tư thế chủ nhà, chúng ta đã không thể chiến thắng cả Sing lẫn Thái, trong đó có trận hòa trối chết trước Thái nhờ bàn thắng có phần may mắn của Công Vinh ở phút cuối cùng.
3 Tiếc thay, quá ngây ngất vì vinh quang, Calisto đã quên mất con đường nào dẫn ông đến thành công. Calisto thất bại liên tiếp tại SEA Games 25 và Cúp Đông Nam Á 2010 sau đó chỉ vì ông ra lệnh cho học trò chơi tất cả mọi trận đấu với thế “kèo trên”.
Với tư cách “đương kim vô địch AFF Cup”, ông không cho phép mình tiếp cận trận đấu với chiến thuật phòng ngự phản công của một đội bóng chiếu dưới. Con cá nước ngọt đã bị ông lùa ra nước mặn và... chết ngộp.
Từ bỏ lối đá phản công sở trường, U.23 Việt Nam thất trận trước U.23 Malaysia trong trận chung kết SEA Games 2009, còn ở AFF Cup 2010 tuyển Việt Nam bị tuyển Philippines đánh bại 2-0 ngay tại Mỹ Đình ở vòng bảng và bị tuyển Malaysia hạ ở bán kết với tỷ số thua 0-2 tại Mã và hòa 0-0 tại Việt Nam. Trong tất cả các trận đó, Calisto đều muốn áp đặt thế trận lên đối phương, dĩ nhiên đều bế tắc và cuối cùng đều bị phản đòn.
Từ thực tế đó, suy ra các đội tuyển Việt Nam có vẻ phù hợp với môn Độc Cô cửu kiếm mà Lệnh Hồ Xung từng đắc thủ. Phá kiếm thức, Phá đao thức, Phá thương thức, Phá tiên thức, Phá chưởng thức, Phá khí thức,... tất cả có chín thức, với công dụng hóa giải tất cả các đòn thế lẫn vũ khí của đối phương. Nhưng muốn “phá” bất cứ thứ gì cũng phải đợi người ta ra tay tấn công, mình mới có cái để “phá”.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung từng đả bại nhiều cao thủ bằng tuyệt học Độc Cô cửu kiếm nhưng chưa lần nào gã ra tay trước. Nhìn từ góc độ bóng đá, Độc Cô cửu kiếm hiển nhiên xây dựng trên chiến thuật... phòng ngự phản công. Nguyên lý của nó là lấy tĩnh chế động: khi “động”, đối phương mới lộ ra sơ hở cho mũi kiếm của gã Lệnh Hồ khoét vào. Từ Asian Cup 2007 đến AFF Cup 2008, Quang Thanh, Quang Hải, Công Vinh đã được Riedl lẫn Calisto sử dụng như những mũi đột kích lợi hại để phát huy đến mức tối đa tuyệt học Độc Cô cửu kiếm và giành thắng lợi.
4 Ông Goetz thuộc trường phái khác. Các đội bóng dưới tay ông, từ đội tuyển quốc gia đến tuyển U.23 đều có thiên hướng tấn công. Thứ võ công ông muốn các học trò tu tập là Giáng long thập bát chưởng. Đây là loại võ công chí cương, ra tay là đánh phủ đầu đối phương. Ngặt nỗi, để phát huy môn tuyệt học này, cao thủ phải có trình độ vượt trội.
Xưa nay trong thiên hạ đếm đi đếm lại chỉ có Tiêu Phong, Hồng Thất Công và Quách Tĩnh thành danh với chưởng pháp này: cả ba đều là những tay nội lực cực kỳ thâm hậu. Trong giới giang hồ túc cầu, cũng chỉ có Barcelona của Pep là đủ sức chơi môn võ Giáng long.
Đội tuyển Việt Nam từ thế hệ Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hoàng Bửu lẫy lừng đến thế hệ Minh Phương, Tài Em, Văn Quyến tài năng vẫn chưa đủ khả năng tấn công đối phương bằng Giáng long thập bát chưởng. U.23 hiện nay trình độ kém hơn tất phải loay hoay như gà mắc tóc dù chơi trước các đối thủ được đánh giá là dưới cơ như Philippines, Myanmar, Đông Timor.
Từ đó, có thể thấy trước: nếu Thành Lương và đồng đội vẫn tiếp tục sử dụng võ công dương cương để tranh tài trong khi nội lực chưa đủ, ắt sớm muộn gì cũng bị “tẩu hỏa nhập ma”. Muốn chiến thắng ở bán kết và chung kết kỳ SEA Games này, U.23 Việt Nam chỉ có cách quay về lối chơi sở trường phòng ngự phản công. Phi Độc Cô cửu kiếm, không tuyệt học nào có thể giúp thầy trò Goetz đăng quang!
Chu Đình Ngạn