“Người mình làm sao í nhỉ?”. Đó là nhận xét của một bạn sống ở nước ngoài đã lâu vừa rồi về thăm Việt Nam. Bạn vô cùng thắc mắc về một thành phố lớn và văn minh như Hà Nội nhưng người ta vẫn cứ bấm còi vô tội vạ trên đường phố.
Thực ra thì tâm lý thích chuông, còi là di sản của một thời chưa xa. Cái thời mà mỗi gia đình có một chiếc xe đạp thì đó không chỉ là phương tiện mà còn là một niềm tự hào. Và cái làm cho niềm tự hào ấy được người khác biết đến chính là chiếc chuông. Thời ấy, xe đạp ở Hà Nội rất hay mất cắp. Để chống trộm, người ta phải chế ra rất nhiều loại khóa. Người thì khóa càng cua, người khóa cáp thép. Có người khóa bằng cả một sợi xích to tướng. Và chiếc chuông hết sức quan trọng được đánh đai thép bắt chặt vào tay lái nhưng đôi khi vẫn mất như thường. Nhiều người cẩn thận khi dựng xe vào nhà ai đó phải lấy ra một tờ giấy tháo nắp chuông với những bánh xe nhoe nhoét dầu mỡ gói lại bỏ túi quần. Thế nhưng vẫn có chiếc xe đạp chẳng trộm nào buồn lấy. Dân Hà Nội gọi là “xe cởi truồng”. Không chuông, không phanh, không gác-đờ-bu.
Chuông xe đạp dĩ nhiên cùng tên với hãng chiếc xe đạp. Chuông Peugeot của Pháp tiếng kêu mảnh mai sang trọng. Chuông Sputnik của xe Nga xuống khung kêu cọt kẹt như người viêm họng. Chuông xe đạp Thống Nhất kêu rổn rảng được vài tháng đầu rồi tịt. Chuông Phượng Hoàng của Trung Quốc là được ưa chuộng nhất. Không những tiếng kêu lảnh lót vui tai mà nước mạ kền còn rất bền và sáng. Người ta chăm chỉ bấm chuông đến mức nhiều khi phải mang ra thợ thay thế các bánh răng chuông mòn vẹt.
Người ta ước tính bây giờ ở Hà Nội có 4 triệu xe máy. Dĩ nhiên số lượng còi còn nhiều hơn thế bởi có nhiều xe còn lắp thêm còi chíp báo xi-nhan. Và rất ít ai không sử dụng cái còi của mình. Lương thiện nhất cũng phải bấm còi để cho các bà quang gánh tránh đường hay các ông ngơ ngáo đứng chờ ở ngã tư, đèn xanh bật sáng rồi cũng chẳng buồn đi. Tệ hơn là các bác xe ôm tay lái lụa lắp chiếc còi kêu to khác thường để vượt tất cả mọi người. Tệ hơn nữa là những người bấm còi như một thói quen dù trên đường khá vắng. Tệ nhất là đám thanh niên phóng bạt tử với tiếng còi không dứt cổ vũ cho cuộc đua.
Thành phố có gần 1 triệu ô tô qua lại hàng ngày cũng thi nhau bóp còi inh ỏi. Có 2 loại xe sử dụng chiếc còi nhiều nhất. Đó là taxi tranh khách và xe biển số xanh. Trung bình cứ 10 tiếng còi nghe thấy trên phố thì có ít nhất 4 taxi và 4 biển số xanh. Hai còi còn lại mới thuộc phần thường dân. Tiếng còi đáng sợ nhất thuộc về xe cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát dẹp đường dẫn khách. Người đi xe máy dĩ nhiên phải lập tức tránh nhường đường. Nhưng cũng không ít nghi ngờ. Vài bác tài lái xe cứu thương hụ còi nhưng không phải lúc nào cũng làm nhiệm vụ.
Tiếng còi nhiều nhất và cũng ít tác dụng nhất là ở các cửa ô giờ tan tầm. Đường tắc thì cứu hỏa, cứu thương cũng đều phải ngậm ngùi chờ đợi. Cảnh sát dẫn đường có sự kiện quan trọng phải rải quân trên toàn tuyến. Trang bị cho mỗi bác một còi thổi và gậy tín hiệu. Thổi hay không là tùy ở sức khỏe và nhiệt tình của họ. Nhưng tắc đường cỡ như sự kiện nghìn năm Thăng Long - Hà Nội thì cảnh sát giao thông cũng đành bó tay. Vài lãnh đạo phải quay về mà không thể chen chân vào dự lễ.
Nhiều năm trước xe cộ còn thưa vắng trên đường, vài bác tài vui tính nắn nót kẻ dòng chữ ở đuôi xe “Còi to cho vượt”, “Xin đừng hôn em”… Chẳng biết có phải vì thế mà người ta đua nhau lắp những chiếc còi “khủng” cho cả xe máy và ô tô. May mắn có Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định mức phạt cho việc lắp còi quá âm lượng lên đến 3 triệu đồng. Người ta không dám lắp còi to nữa. Thế nhưng vẫn có nhiều xe tải hạng nặng trong nguyên bản thiết kế đã là chiếc còi hơi khủng khiếp. Nó đã không ít lần gây tai nạn nghiêm trọng chỉ bằng tiếng còi đột ngột thét vang khiến người đi xe máy giật mình mất lái.
Thật ngạc nhiên khi chỉ bước chân sang đến nước bạn Lào bên cạnh thôi là đã rất hiếm khi nghe thấy tiếng còi xe. Thủ đô Paris của nước Pháp mấy chục năm chỉ có một lần nghe thấy tiếng còi xe. Đó là vào năm 1998. Khi đội tuyển Pháp giành World Cup. Tất cả xe cộ trên đường đồng loạt bóp còi.
Đám thanh niên trên mạng còn đưa tiếng còi vào ngôn ngữ facebook. Họ thường bình luận những bạn trên face có tính khoe khoang khoác lác bằng hai chữ “To còi”. Tự nhiên thấy lóe lên một tia hi vọng. Có thể đây chính là thế hệ chán bóp còi nay mai?
ĐỖ PHẤN