“Cởi trói” cho dân

Nhớ lại thời kỳ đất còn vướng dự án, làm nông không được mà bán cho người khác để lấy tiền chuyển chỗ mới cho thuận tiện làm ăn cũng không thể, ông Trần Văn Thọ (ngụ tổ 4, khu phố 2, phường Thới An, quận 12, TPHCM) cho biết: “Hơn 10 năm đằng đẵng ấy chỉ biết than trời”. Đến bây giờ, ngồi trong căn nhà khang trang với đầy đủ vật dụng thiết yếu, ông Thọ mới cảm thấy sự an ổn ở tuổi già. Gia đình ông Thọ là một trong hàng chục ngàn hộ dân được “cởi trói” từ Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM khóa VIII - nghị quyết về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị.
“Cởi trói” cho dân

Nhớ lại thời kỳ đất còn vướng dự án, làm nông không được mà bán cho người khác để lấy tiền chuyển chỗ mới cho thuận tiện làm ăn cũng không thể, ông Trần Văn Thọ (ngụ tổ 4, khu phố 2, phường Thới An, quận 12, TPHCM) cho biết: “Hơn 10 năm đằng đẵng ấy chỉ biết than trời”. Đến bây giờ, ngồi trong căn nhà khang trang với đầy đủ vật dụng thiết yếu, ông Thọ mới cảm thấy sự an ổn ở tuổi già. Gia đình ông Thọ là một trong hàng chục ngàn hộ dân được “cởi trói” từ Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM khóa VIII - nghị quyết về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng cử tri tại kỳ họp HĐND TPHCM khóa VIII Ảnh: VIỆT DŨNG

Hơn 10 năm cuộc sống “treo” theo dự án

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, người đàn ông 67 tuổi có nước da ngăm đen, đôi mắt sáng đã gắn cuộc đời mình hàng chục năm với vùng đất Hóc Môn (sau này tách thành quận 12) nhớ lại, ngày 30-6-2004, với Quyết định số 3230, UBND TPHCM đã thu hồi và tạm giao khu đất diện tích 38ha, trong đó có gia đình ông đang sinh sống, cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (nay là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận) để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng khu nhà ở Thới An 2, 3, 4. Tuy nhiên, từ khi có quyết định thu hồi và tạm giao đất, sau hơn chục năm, chủ đầu tư vẫn không thực hiện, khiến người dân chịu ảnh hưởng của dự án vô cùng bức xúc. “Hơn 5.000m2 đất của gia đình tôi dính vào dự án này là chừng ấy năm, chúng tôi đã chịu khổ, chịu thiệt thòi, bế tắc…”, ông Thọ kể.

Đến giữa năm 2013, thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị, qua rà soát và đề xuất của chính quyền địa phương, sở ngành chức năng, UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định tạm giao đất trước đó cho chủ đầu tư. “Ngày chính quyền quận 12 công khai thông tin dự án chấm dứt thực hiện và trả lại các quyền của người dân sử dụng đất trong khu vực dự án, bà con mừng khôn xiết”, ông Thọ nói.

Khi hơn 5.000m² đất gia đình ông trong dự án được xóa treo, ông Thọ rao chuyển nhượng ngay 3.000m², việc mà ông đã muốn làm từ nhiều năm trước. Số tiền có được ông xây cất lại căn nhà mà lâu nay đã xập xệ, phần còn lại chia đều cho các con để làm ăn và giữ lại phần mình một ít an hưởng tuổi già. Nhờ có số tiền này, các con ông, người mở công ty, người mua bán nhỏ và cuộc sống dần ổn định hơn.

Không chỉ gia đình ông Thọ, tất cả bà con có đất bị vướng vào dự án treo của Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận đều phấn khởi khi dự án được cởi trói. “Ai mà không mừng khi đất của dân trả lại cho dân và mình được tự do làm ăn, sang nhượng, kinh doanh, xây sửa nhà cửa”, ông Nguyễn Văn Tâm (75 tuổi, ngụ tổ 4, khu phố 2) vui mừng cho biết.

Ông Tâm có gần 2.000m² đất vừa thổ cư, vừa nông nghiệp bị vướng vào dự án. Vì thấy mình tuổi đã cao nên sau khi dự án được xóa, ông đã đi tách sổ, chia đất cho các con. Phần đất nằm ở mặt tiền đường, ông cho thuê để làm kho chứa hàng và kinh doanh. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ông giờ đây có phần sung túc.

Lấy lại niềm tin

Quận 12 là địa phương có số lượng dự án được xóa “treo” khá nhiều trong số 24 quận - huyện. Theo ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 16, UBND quận 12 đã rà soát, kiến nghị UBND TP và Sở Tài nguyên - Môi trường ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất và chấm dứt thực hiện 11 dự án (gồm 6 dự án nhà ở, 4 dự án công trình công cộng và 1 dự án giáo dục). “Nghị quyết 16 đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình phát triển của quận trong 3 năm qua”, lãnh đạo UBND quận 12 nhận định.

Các đại biểu HĐND TPHCM khóa VIII biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, những năm qua, TPHCM có rất nhiều dự án, quy hoạch được triển khai thực hiện đã làm thay đổi lớn diện mạo, thúc đẩy sự phát triển của TP. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều dự án TP quy hoạch hoặc giao đất cho chủ đầu tư nhưng giậm chân tại chỗ, thậm chí có dự án quy hoạch kéo dài hàng chục năm, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, quyền lợi của người dân khi họ không được quyền mua bán, chuyển nhượng, xây dựng… ngay trên phần đất của mình. Thực tế này là một trong những bức xúc lớn và chiếm tỷ lệ cao nhất về số lượng kiến nghị trong tổng hợp ý kiến cử tri của Văn phòng HĐND TP trước kỳ họp. Nhiều nhiệm kỳ qua, nội dung này luôn “nóng” tại diễn đàn các kỳ họp của HĐND TP. Với quyết tâm giải quyết bức xúc này để trả lại quyền lợi cho người dân, vừa giải quyết nguồn lực đất đai đang bị lãng phí lớn, năm 2012, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết 16, với các mục tiêu đặt ra: đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị; rà soát các chính sách và quy định hiện hành để tổng hợp những vấn đề chưa phù hợp, gây khó khăn cho người dân sau tái định cư, từ đó xem xét điều chỉnh cho sát hợp, khả thi, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của người dân bị thu hồi đất và của nhà đầu tư; tổ chức điều tra xã hội học về cuộc sống của người dân sau tái định cư để có những chính sách phù hợp, từng bước ổn định, cải thiện cuộc sống người dân. Nghiên cứu để bổ sung chính sách, biện pháp giải quyết hỗ trợ những hộ dân chưa đủ điều kiện hưởng chính sách tái định cư phù hợp với đặc điểm của thành phố theo quy định hiện hành; rà soát các dự án đầu tư, đánh giá hiệu quả, tính khả thi và năng lực của nhà đầu tư, sự phù hợp với quy hoạch của từng dự án có sử dụng đất để xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng dự án  ”treo”.

Từ khi thực hiện Nghị quyết 16, tổng số dự án hủy bỏ, chấm dứt chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi, hủy bỏ văn bản pháp lý - quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là 564 dự án với diện tích 5.736,1ha; bố trí tái định cư cho 1.153/1.427 hộ. Đây là các dự án kéo dài thời gian, lãng phí nguồn lực đất đai, đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Còn lại 274 trường hợp, do các dự án tái định cư đang thi công nên sẽ tiếp tục bố trí khi các dự án này hoàn chỉnh. UBND TP đã ban hành một số chủ trương làm cơ sở pháp lý để các sở ngành, quận huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16; góp phần cơ bản giải quyết các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân thành phố.

 HĐND TPHCM khóa VIII và những con số

- Thực hiện Nghị quyết của HĐND TPHCM về chỉ tiêu 100% hộ dân TP được cấp nước sạch, đến cuối năm 2015, cơ quan chức năng đã nâng tổng số hộ dân TP được cấp nước sạch, nước ngầm đã qua xử lý là 1.515.763 hộ/1.874.114 hộ (đạt tỷ lệ 99,81%). Trong đó, chỉ tính năm 2015, TP có thêm gần 132.000 hộ dân TP được cấp nước sạch.

- Thường trực HĐND TP thực hiện 119 buổi tiếp công dân, liên quan đến 146 vụ việc. Các tổ đại biểu đã thực hiện 1.648 buổi tiếp công dân, xử lý 1.307 vụ việc. Qua đó, đã góp phần giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại kéo dài nhiều năm của người dân.

- Khoảng 10.000 đơn thư khiếu nại tố cáo được Thường trực HĐND TPHCM tiếp nhận. Qua phân loại đã lưu 5.112 đơn (tỷ lệ 51,11%), gồm: đơn trùng, nội dung không rõ ràng, đơn đã được các cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết và có văn bản trả lời là chấm dứt xem xét; số còn lại gồm 4.889 đơn đã được xử lý (48,89%). Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền phản hồi kết quả giải quyết đơn được thực hiện thường xuyên, tỷ lệ phúc đáp từ các cơ quan có thẩm quyền ngày càng được nâng lên (năm 2011 đạt 60,34%; năm 2012 đạt 70,7%; năm 2013 đạt 84,16%; năm 2014 đạt 86,8% và năm 2015 đạt 87,76%).

- Qua hoạt động khảo sát, giám sát, các Ban HĐND TP đã kịp thời phát hiện những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố: chế độ, thu nhập của đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục mầm non; lực lượng bảo vệ dân phố, công an viên; cán bộ không chuyên trách Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phường, xã, thị trấn, phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân và hỗ trợ kinh phí hoạt động ở khu phố, ấp còn thấp… Những phát hiện đó đã giúp UBND TP kịp thời khắc phục tồn tại; bổ sung cơ chế, chính sách trong công tác điều hành, chỉ đạo.

- HĐND TPHCM đã ban hành các chính sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo giai đoạn 2012-2015, như: hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố; bổ sung một số chính sách đối với hộ nghèo có mức thu nhập từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống; chi bổ sung từ ngân sách thành phố để hỗ trợ cho khoản chi trả 15% chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo hàng năm; thực hiện miễn giảm học phí buổi thứ 2 cho học sinh diện hộ nghèo thành phố từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; hỗ trợ học phí cho sinh viên là con em hộ nghèo thành phố theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học từ ngân sách thành phố… 

Vân Anh - Thái Phương

Tin cùng chuyên mục