“Cởi trói” thuốc Việt

“Cởi trói” thuốc Việt

Sau những thông tin của Báo SGGP về thực trạng “chuộng” thuốc ngoại của giới bác sĩ lẫn người bệnh, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần giảm bớt gánh nặng giá thuốc cho người dân. Với vai trò Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (ảnh) cho rằng phải bắt đầu từ những cơ chế, chính sách và hành động cụ thể.

° Phóng viên: Thực tế hiện nay, phần lớn thuốc ngoại được sử dụng qua kê toa của bác sĩ. Còn tâm lý người bệnh lại cho rằng dùng thuốc ngoại mau khỏi bệnh. Vậy cơ hội nào cho thuốc Việt?

° PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Hiện thị trường có khoảng 22.000 mặt hàng thuốc, trong đó ngành dược trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50%, 90% nguyên dược liệu phải nhập khẩu. Dù vậy, thuốc sản xuất trong nước vẫn có giá rẻ hơn nhiều loại thuốc nhập ngoại. Hiện cả nước có 101 nhà máy, trong đó TPHCM có 22 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn Thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP-WHO), còn tốt hơn một số nhà máy Ấn Độ, Pakistan nhiều và đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu về thuốc chất lượng, giá cả hợp lý.

° Không ít doanh nghiệp dược trong nước than thở khó tiếp cận bệnh viện. Điều tra của ngành y tế cho thấy, thuốc Việt chỉ chiếm 30%-40% trong các bệnh viện đa khoa và chỉ 5% trong các bệnh viện chuyên khoa. Rào cản nào đang làm thuốc Việt bị “lép vé” như vậy?

° Trong công tác quản lý, ngành y tế luôn cổ động dùng thuốc Việt. Việc đấu thầu, cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập hiện nay đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 10 của liên Bộ Y tế - Tài chính. Thế nhưng thực tế cho thấy, thông tư này đã bộc lộ không ít bất cập, tạo ra những kẽ hở tiêu cực và bất bình đẳng giữa thuốc nội và thuốc ngoại. Có loại thuốc trong nước sản xuất được, có hoạt chất tương đương lại cho thuốc của nước ngoài trúng thầu; hoặc cùng loại thuốc, hoạt chất nhưng giá thuốc trúng thầu của thuốc ngoại cao gấp bội thuốc nội…

Trong khi đó, thuốc nội bị hạn chế quảng cáo, tiếp thị khiến bác sĩ, người bệnh không có cơ hội tiếp xúc. Ngược lại, thuốc ngoại nhập lại được quảng cáo vô tội vạ. Qua đó cho thấy, cùng một sân chơi mà thuốc nội đã thua thiệt. Theo tôi, cần “cởi trói” cho thuốc Việt bắt đầu từ việc sớm thực hiện đấu thầu thuốc tập trung.

° Thống kê của  Bộ Y tế cho thấy, năm 2010, chi phí cho thuốc của người bệnh đã tăng lên 22,5USD/người/năm, tăng 12,4% so với năm 2009. Chính sách quản lý giá thuốc hiện hành đã hiệu quả và làm cách nào để giảm bớt gánh nặng cho người dân?

° Chính sách quản lý giá thuốc cần được thực thi quyết liệt và hiệu quả hơn cũng như cần được bổ sung cho phù hợp. Hiện liên Bộ Tài chính và Bộ Y tế đang sửa đổi thông tư về quản lý giá thuốc theo thặng số bán lẻ. Tuy nhiên, để giảm gánh nặng cho bệnh nhân, ngoài việc phải có BHYT để được chi trả chi phí thuốc (năm 2010, UBND TPHCM đã hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT cho toàn bộ 318.563 người nghèo TP), các bác sĩ điều trị cần kê đơn hợp lý, tránh lạm dụng thuốc ngoại, thuốc đắt tiền.

Người dân mua thuốc Việt tham gia bình ổn giá tại nhà thuốc ở huyện Nhà Bè. Ảnh: Mai Hải

Người dân mua thuốc Việt tham gia bình ổn giá tại nhà thuốc ở huyện Nhà Bè. Ảnh: Mai Hải

° Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế  hiện hành với cơ chế đồng chi trả, nghĩa là nhà nước chỉ hỗ trợ một tỷ lệ nhất định theo điều kiện người mua BHYT. Đó là chưa kể thực tế người có BHYT vẫn bị phân biệt đối xử?

° Chính sách BHYT là một trong những phương tiện bảo đảm khả năng được chăm sóc sức khỏe ở mức tối đa, với một khoản chi phí hợp lý tối thiểu, dựa trên nguyên tắc san sẻ. Để BHYT phát huy tác dụng, theo tôi, nó phải được triển khai cho toàn dân, bắt buộc, với mức phí hợp lý theo thu nhập của đối tượng và phải được quản lý hiệu quả hơn. Mức phí chi trả BHYT cũng cần theo sát thực tế thì mới triệt tiêu được tận gốc sự mất công bằng giữa khám chữa bệnh theo bảo hiểm và dịch vụ.

° Sự bất cập về giá thuốc, chính sách BHYT đang làm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải làm gì?

° Thực trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên của TP là đáng báo động trong khi mạng lưới y tế chưa theo kịp cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, quá tải hầu như chỉ xảy ra ở các bệnh viện tuyến trên, khu vực trung tâm, bệnh viện chuyên khoa, trong khi một số bệnh viện quận huyện không sử dụng hết công suất giường bệnh.

Để giải quyết quá tải, Sở Y tế TPHCM đã và đang triển khai các biện pháp tại từng đơn vị như cải tiến, hợp lý hóa quy trình tiếp nhận, đăng ký khám chữa bệnh, thực hiện lọc bệnh tại phòng khám, duy trì hiệu quả điều trị trong ngày, phẫu thuật trong ngày, theo lịch hẹn, giảm số ngày điều trị, nhập viện… và tăng cường cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Đồng thời, việc vận động sử dụng thuốc Việt, cải tiến cơ chế thanh toán BHYT phải đồng hành với việc chống quá tải mới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

TƯỜNG LÂM thực hiện

Tin cùng chuyên mục