Cơm ngon, còn sạn

Thấy bạn bè thi nhau chia sẻ thông tin về bộ phim Những ngày không quên trên mạng xã hội, tôi cũng háo hức chờ đón từng tập phát sóng. Có sự thích thú, có bất ngờ nhưng cũng không tránh khỏi cả những tiếc nuối.   
Cơm ngon, còn sạn

Ngồi trước tivi để theo dõi tập phát sóng đầu tiên tối 6-4, mang đến cho tôi cảm giác rất đặc biệt. Lần đầu tiên, tôi được xem một bộ phim truyền hình Việt Nam mà dàn diễn viên trong phim được ghép từ diễn viên của 2 bộ phim đình đám: Cô gái nhà người ta và Về nhà đi con.

Tra trên công cụ tìm kiếm của Google thấy nhiều bài báo nói đến thuật ngữ “crossover” (tức là pha trộn những bộ phim, những nhân vật khác nhau trong các bộ phim vào làm một). Thực ra, hình thức này không mới, nếu theo dõi các series phim trên thế giới, đặc biệt ở thể loại siêu anh hùng, điều này khá phổ biến. Nhưng với truyền hình Việt Nam, sự kết hợp lần đầu tiên này có thể xem là bước khởi đầu cho “vũ trụ” truyền hình của đơn vị sản xuất. Dân mạng còn kháo nhau, cặp đôi Bảo - Khuê (Hoa hồng trên ngực trái) có thể cũng có sự xuất hiện đặc biệt trong phim.

Đâu chỉ có thế, hình ảnh bộ phim Sinh tử, Nhà trọ Balanha hay các nhân vật trong Quỳnh búp bê, Người phán xử… cũng được quảng bá trong phim. Dẫu sao, đây cũng là món ăn lạ. Riêng cá nhân tôi thích sự kết hợp kiểu này. Vừa xem Cô gái nhà người ta, dù kết thúc có hậu nhưng chưa hoàn toàn thỏa đáng, nay được xem diễn tiến tiếp theo, rồi lại được gặp cha con ông Sơn (Về nhà đi con), đúng là “nhất cử lưỡng tiện”.  

Không khó để thấy, các thông điệp tuyên truyền về dịch Covid-19 thể hiện đậm nét trong Những ngày không quên và được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong phim, chuyện rửa tay bằng xà bông, bằng cồn, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người… được các diễn viên trò chuyện như cơm bữa. Phần cuối bộ phim, với nền nhạc Ghen Cô Vy quen thuộc, các diễn viên còn cầm biển khẩu hiệu với đủ các biện pháp phòng dịch. Sự nhắc lại này không thừa, vì trên thực tế nhiều người dễ nhớ lại dễ quên các quy tắc này. Nhưng không phải lúc nào hành động ấy cũng khéo léo, bởi có cảm giác nhiều chi tiết các diễn viên đang bị gượng ép. Nếu các chi tiết sống động hơn, sáng tạo hơn so với bức tranh muôn hình vạn trạng đang diễn ra trong cuộc sống, ắt hẳn sẽ thuyết phục thêm nhiều khán giả khó tính.   

Người ta hay nói, phim phải mang hơi thở cuộc sống, nhưng cần được nhìn qua lăng kính nghệ thuật của nhà làm phim. Điều này đang đúng một nửa ở Những ngày không quên. Những gì xảy ra trong cuộc sống khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: cách ly, tích trữ lương thực, đưa tin giả, thổi phồng thực tế… đủ cả. Khán giả như một lần nữa được xem lại bức tranh thu nhỏ trong những phút phim ngắn ngủi, cũng sống động và đa chiều. Nhưng xem ra, so với những tư liệu cuộc sống đang ngồn ngộn ngoài kia, phim vẫn còn hạn chế. Chi tiết cô Xuyến qua nhà ông Sơn đòi lại vài thùng mì, mấy túi gạo về để bán giá cao hơn dù có chút hài đó, nhưng còn sượng sùng. 

Nói đi cũng phải nói lại. Tôi thắc mắc, chỉ trong thời gian ngắn khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành, ê kíp đã làm như thế nào để có những thước phim tuyên truyền được sản xuất với tốc độ chóng mặt như vậy? Cứ cho là dàn diễn viên toàn người quen không khó để tập hợp, nhưng còn kịch bản, bối cảnh sao cho khớp với các phim cũ, lại quay trong thời gian hạn chế tụ tập đông người, quả là không dễ. Phản ứng nhanh của đoàn phim là điều đáng ghi nhận và không phải ê kíp nào cũng có khả năng thực hiện được. Với tôi, Những ngày không quên có thể chưa phải hàng “đặc sản”, nhưng cũng là món ăn lạ miệng. 

Tin cùng chuyên mục