Con đường cánh tả

Từ thập niên 1990 đến nay, lực lượng cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh bắt đầu nổi lên như một hiện tượng chính trị khi liên tục giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử.

Sự phát triển, lớn mạnh của phong trào cánh tả ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Mới đây, Washingtin Post đăng bài: “Cánh hữu thoái trào ở Mỹ Latinh” với những phân tích vì sao cánh tả chiếm được ưu thế tại khu vực này.

Chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh được chia làm hai trường phái. Một là chính phủ cánh tả nhưng áp dụng chính sách tự do mới, gắn chặt với tầng lớp tư sản quốc gia hoặc khu vực trong các dự án phát triển của mình. Đại diện cho nhóm này là lực lượng cánh tả ở các nước Brazil, Uruguay, Chile, Nicaragua và Argentina. Thứ hai là lực lượng cánh tả đối đầu mạnh mẽ với giới tư bản trong và ngoài nước, điển hình là Venezuela, Bolivia và Ecuador. Dù có những nét riêng biệt trong định hướng phát triển nhưng lực lượng cánh tả của hai nhóm này đáp ứng được yêu cầu quan trọng là đưa phúc lợi của người dân vào chính sách hành động của mình ở mức cao nhất. Venezuela, Bolivia, Ecuador hay Brazil, Urugoay, Chile và Argentina đều cùng theo đuổi các chương trình trợ cấp công. Cụ thể là triển khai những chính sách kinh tế, xã hội, quan tâm tới tầng lớp lao động nghèo và tập trung phát triển kinh tế bền vững thông qua các chính sách trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí, viện phí.

Các phương tiện truyền thông phương Tây thường mô tả các chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh dưới góc nhìn khắt khe và đầy châm biếm. Mỹ và châu Âu thường đề cao những hiệp định thương mại và tự do mình đã ký với một số nước Mỹ Latinh. Thực tế, giữa các quốc gia Mỹ Latinh không thiếu những thỏa thuận mang tính nhân văn, đáp ứng được nhu cầu dân sinh. 20.000 bác sĩ Cuba đang làm việc tình nguyện tại Venezuela, thực hiện 40.000 ca mổ miễn phí cho bệnh nhân Venezuela. Đổi lại, Venezuela cung cấp xăng dầu cho Cuba. Những thỏa thuận theo hướng này cũng được áp dụng đối với nhiều quốc gia khác. Chính phủ cánh tả các nước Mỹ Latinh gần đây đã tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết khu vực, mở rộng hợp tác với các nước đang phát triển, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Có thể kể đến là Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Thị trường chung Caribe (CARICOM) và Cộng đồng các nước Nam Mỹ (CSN), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNSUR), Sáng kiến sự lựa chọn Boliva cho châu Mỹ (ALBA), Dầu khí Nam Mỹ (PETROSUR)…

Hiện Tổng thống Brazil Rousseff và Tổng thống Ecuador Rafael Correa là những lãnh đạo được tín nhiệm nhất trong khu vực Mỹ Latinh. Đây là hai lãnh đạo theo hai trường phái đặc trưng của lực lượng cánh tả của khu vực này. Mỗi người đều được ủng hộ vì những chính sách độc lập. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, để lực lượng cánh tả Mỹ Latinh phát triển và đứng vững, củng cố đà tăng trưởng kinh tế của khu vực thì cần dung hòa hai đường lối trên, nghĩa là không thể hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách tự do mới cũng như không thể để nhà nước chi phối tuyệt đối nền kinh tế. Mới đây, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã lạc quan khẳng định rằng khu vực Mỹ Latinh sẽ tiếp tục xu hướng phát triển tiến bộ bất chấp những xáo trộn do khủng hoảng kinh tế gây ra cũng như sự cạnh tranh từ các cường quốc cánh hữu trên thế giới.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục