Con đường của Sơn

Con đường của Sơn

“Với những người bình thường, nếu không học tốt, họ vẫn có thể có nhiều công việc để làm. Họ có thể cuốc đất, phụ hồ, chạy xe ba gác… Còn con chỉ có một con đường để tự nuôi bản thân: Đó là học…”. Câu nói của người cha, bao nhiêu năm rồi vẫn in trong tâm trí Trần Thanh Sơn (ảnh), để rồi từ một cậu bé tật nguyền, Sơn đã làm nên những kỳ tích.

Câu nói của cha đã tạo nên nội lực tiếp sức cho Sơn đi trọn con đường gian nan của cuộc đời mình. Gian nan, bởi Sơn không có cánh tay nào bình thường, không có đôi chân lành lặn. Một tay có 40% sức lực, một tay còn 20% khả năng, hai chân buông thõng, di chuyển bằng đôi chân của người khác, điều đó khiến cho thành tích tốt nghiệp một trường đại học rồi theo học hai chuyên ngành cao học của Sơn như một kỳ tích.

Nhờ đứa em cõng từ trên gác xuống, Sơn cười chào khách. Nụ cười rạng rỡ, ấm áp, không chút thấp thoáng bi quan. Tiếp sau nụ cười ấm, Sơn nói thiệt tình: “Bây giờ ngồi được, nói được, học được đã là điều may mắn lắm rồi”. Từ lúc sinh ra, Sơn được làm một đứa trẻ bình thường đúng 9 tháng. Sau đó là biến cố, là tai họa ập xuống. Lúc đó, ẵm con mình lên cứ thấy mềm nhũn, cái đầu ngoặt ngoẹo như một cọng mì tôm, ba mẹ Sơn bồng con chạy chữa khắp nơi. Hy vọng tưởng chừng đã lịm tắt khi Sơn là 1 trong 4 bệnh nhân nặng nhất trong bệnh viện. Nhưng rồi cậu bé vẫn sống.

12 năm Sơn đi học là 12 năm cha phải dõi theo sát bước Sơn trên mọi nẻo đường. Một già một trẻ, một lành lặn, một ốm yếu nhỏ nhoi có mặt trên mọi nẻo đường. Ba là đôi chân của Sơn. Ba chở Sơn đi khắp nơi: học chính khóa, học thêm, đi chơi, đi mua sắm… Chỗ nào xe không chạy vô được thì ba cõng.

Tới khi Sơn đậu đại học, việc đầu tiên mà ba nghĩ đến là phải tìm được 1 chỗ tốt nhất cho Sơn trọ học. Ngày Sơn đậu vào Trường Đại học Khoa học tự nhiên cũng là lúc ba Sơn phát hiện bị bệnh ung thư gan. Căn bệnh quái ác, hành hạ về thể xác nhưng kỳ lạ là ba không bao giờ kêu đau. Đến bác sĩ trong bệnh viện cũng phải ngạc nhiên vì thông thường bệnh nhân ung thư gan đến giai đoạn đó thì không thể giữ được tinh thần và ý chí như thế. Sơn hiểu, ba muốn con trai được yên lòng.

Về những ngày này, Sơn viết trong nhật ký: “Ba không còn đưa tôi đến trường như lúc trước được nữa nhưng ông vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Một lần nữa, tôi được học một bài học rất giá trị, đó là tinh thần chiến đấu của một người cộng sản chân chính. Ông đã cố gắng chiến đấu với bệnh tật, cũng bằng tinh thần và nghị lực sắt thép của người lính trên chiến trường, để sống với tôi suốt 4 năm đại học”.

Ngày Sơn lãnh tấm bằng tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin, ba không còn đủ sức để tới trường nhìn con trai mình trong bộ áo thụng ngày tốt nghiệp. Đêm trước ngày nhà trường làm lễ, Sơn được nhận áo về mặc thử. Cậu đã mặc áo cho ba xem rồi hai ba con chụp với nhau một tấm hình bằng máy điện thoại của người chị. Sau ngày vui đó ít lâu, ba đã rời xa Sơn mãi mãi.

Nhớ lời ba dặn, chỉ có con đường học hành mới có thể giúp mình sống tự lập, Sơn tiếp tục phấn đấu thi đậu cao học chuyên ngành quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế năm 2009, đậu cao học ngành công nghệ thông tin chuyên ngành hệ thống thông tin Đại học Khoa học tự nhiên năm 2010.

Từ năm 2006 đến năm 2009, vừa đi học, Sơn vừa đi làm thêm nhận viết modul phần mềm, dạy thêm Anh văn, nhận dịch thuật. Hiện tại, Sơn còn tham gia dạy tin học văn phòng cho các em nhỏ khuyết tật ở Trung tâm dạy nghề Kỹ thuật cao thuộc Trường Đại học Văn Lang.

Khi được hỏi về sở thích của mình, Sơn cười: “Mình thích bơi lội, thích học võ, thích cả khiêu vũ nữa”. Ngập ngừng một chút, cậu nói thêm: “Nếu như có thể, thì mình nhất định đã đi học những môn đó rồi”. Ừ, thì có ai cấm được những ước mơ. Còn ước mơ là còn muốn sống, mà không phải sống cho có, mà là sống cho ra sống.

Sơn tâm sự là mình luôn tự chấp nhận, tự nhắc nhở rằng mình là người khuyết tật để tự trọng, tự xác định con đường mình sẽ đi và quan trọng hơn là không tự ti, mặc cảm. Mình phấn đấu, học tập, làm việc hết sức mình, cởi lòng mình, giao tiếp với nhiều người để có một cuộc sống mở, vui tươi. Còn cuộc đời thì ta cứ vui mà…

Khắc Mai

Tin cùng chuyên mục