Con đường ngắn nhất

Không hẹn mà gặp, hầu như các chiến dịch tranh cử của các đảng phái cho cuộc bầu cử ngày 16-12 tới đây ở Nhật Bản đều có 2 nội dung chủ đạo là “chủ nghĩa dân tộc” và “quốc phòng”. Trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ quần đảo với Trung Quốc chưa dịu xuống, cụm từ “tự vệ” được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết.

Không hẹn mà gặp, hầu như các chiến dịch tranh cử của các đảng phái cho cuộc bầu cử ngày 16-12 tới đây ở Nhật Bản đều có 2 nội dung chủ đạo là “chủ nghĩa dân tộc” và “quốc phòng”. Trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ quần đảo với Trung Quốc chưa dịu xuống, cụm từ “tự vệ” được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết.

Sắp tới, Nhật Bản và Mỹ sẽ thảo luận về việc duyệt xét vai trò quốc phòng trước việc Trung Quốc tăng cường quân sự và mở rộng lực lượng hải quân. Không chỉ có Trung Quốc, những quốc gia được Nhật Bản đánh giá có nguy cơ ảnh hưởng đến vị thế dẫn đầu của Nhật Bản tại châu Á cũng là nguyên nhân để Nhật Bản nhìn nhận lại, bổ sung những văn bản pháp lý liên quan đến quốc phòng mà Nhật có tham gia. Tháng trước, Nhật Bản và Mỹ đã đồng ý xem xét lại bản quy tắc hướng dẫn (hình thành năm 1997) cho mối quan hệ hợp tác quốc phòng nhằm đưa ra những biện pháp đối phó cụ thể trong trường hợp xung đột nổ ra tại bán đảo Triều Tiên.

Nhưng Mỹ không còn là đối tác ưu tiên duy nhất của Nhật Bản trong quá trình tạo liên kết toàn diện với khu vực. Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Keio ở Tokyo, ông Yoshihide Soeya, đã khẳng định: “Chúng tôi muốn tạo mối liên kết với những quốc gia châu Á để ngăn chặn sự vượt mặt của Trung Quốc”. Lần đầu tiên từ sau Thế chiến thứ II, Nhật Bản mới đây đã quyết định cấp 2 triệu USD để chuyên gia Nhật Bản đào tạo binh sĩ ở 2 quốc gia Đông Nam Á là Campuchia và Đông Timor. Nhật Bản cũng bắt đầu đề xuất cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng với Philippines, Singapore… Tàu chiến Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận chung với lực lượng hải quân của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng ngày càng thường xuyên hơn. Điều được dư luận cũng như đảng cầm quyền Nhật Bản quan tâm là sửa đổi điều 9 Hiến pháp để tạo điều kiện pháp lý cho việc tái vũ trang và có thể sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, thậm chí là có thể thực hiện được quyền phòng vệ từ xa thông qua việc đánh đòn phủ đầu.

Cách đây hơn 20 năm, Nhật Bản vẫn được coi là mô hình mới về kinh tế, đại diện cho cái được gọi là chủ nghĩa tư bản thế giới trong tương lai. Còn Nhật Bản ngày nay đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng gay gắt và khả năng suy thoái – được xác định là tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp - lần thứ 5 trong 15 năm qua. Thực tế, trong 20 năm qua, suy thoái đã trở thành “sự bình thường mới” của nền kinh tế Nhật Bản. Nhưng sự suy giảm mới đây còn nặng nề hơn những sự suy giảm trước đó (3,5% trong năm qua), cán cân thương mại hàng tháng, đã từng xuất siêu trong nhiều năm, nay cũng bị thâm hụt. Tình hình kinh tế ảm đạm trong nhiều năm cộng với sự bất ổn chính trị trong nước đã làm tầm ảnh hưởng của Nhật Bản với cộng đồng quốc tế ngày càng suy yếu. Giờ đây, lãnh đạo nước Nhật coi đánh thức lòng tự hào dân tộc (xu hướng chính của các nước Đông Á hiện nay), quyết định từ bỏ hình ảnh một quốc gia không bạo lực thông qua tăng cường sức mạnh quốc phòng là con đường ngắn nhất để giành lại vị thế của một trong những cường quốc có tác động mạnh nhất đến cục diện thế giới. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục