Anh hằng sống với vùng đất từng đùm bọc anh chiến đấu và trưởng thành từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, cho đến kết thúc cuộc đời trọn vẹn gởi thân nơi đây vĩnh hằng cùng đất. Hay nói cách khác: Vì tình yêu Sài Gòn, chiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn ra đi chiến đấu, rồi cũng vì tình yêu Sài Gòn thu hút mãnh liệt hồn văn - nhà văn Nguyễn Thi (ảnh) trở về chiến đấu và đổ máu hy sinh chung thủy với Sài Gòn.
Dù hài cốt anh “tạm về” nghĩa trang, hay còn tọa lạc nơi nào, thì anh cũng đã về trong lòng đất mẹ, trong lòng đồng đội, trong lòng đường: con đường mang tên anh. Mỗi mùa hàng cây bên đường xôn xao thay lá, hồn văn gởi bao khát khao theo lá rụng trải hết tấm lòng cha trên từng tấm lá con đi!…
Đây là con đường ngắn, khoảng chừng 500m, từ đầu đường đến cuối đường nhìn thông thống nối Hải Thượng Lãn Ông và Trần Văn Kiểu. Số nhà bên chẵn 26, bên lẻ 99; hai bên hơn 60 căn hộ. Dân phố quen gọi số lớn là đầu đường. Có lẽ vì đường Nguyễn Thi mở bát về phía phải hình cánh cửa, rộng chừng 20m, vừa làm mặt tiền khang trang mỹ quan cho trung tâm Bưu điện Chợ Lớn mang số 26 Nguyễn Thi; vừa làm một phần vòng cung cho bùng binh tượng đài Phan Đình Phùng uy nghi, chiếm trọn chiều ngang giữa hai con đường: Mạc Cửu - Nguyễn Thi. Về cuối đường giáp ngã ba Trần Văn Kiểu, bắt đầu số nhỏ có vẻ buồn vì phố nghèo, buôn bán gỗ ván phế liệu cùng vật liệu xây dựng, bày trí bừa bộn bên ngoài, bên trong hơi tối tăm.
Nhìn ngó dọc con đường một lúc tôi đến bắt chuyện với anh phu xích lô trung niên đang chờ khách nơi ngã ba Lê Quang Sung - Nguyễn Thi nối qua đường Mạc Cửu như cái nhánh của chữ H. Anh xích lô vui vẻ đáp lời:
- Tôi không chỉ quen chạy con đường này mà cả thành phố đâu tôi cũng chạy.
- Nhà anh ở đâu?
- Ở gần đây.
- Anh có biết gì về Nguyễn Thi? Người mà con đường này mang tên.
- Như những con đường khác, tôi chỉ biết nó thuộc địa phận nào, vậy thôi! Muốn biết tiểu sử của Nguyễn Thi, anh có thể hỏi ông giáo sư. Nhà ổng ở ngay kia thôi. Anh vào đi, để Honda tôi coi cho.
Tôi vừa đến căn phố 3 tầng, cửa để mở, còn dụ dự tìm chuông. Thấy bóng người, một chàng trai mang kính cận, mình trần mập mạp từ sau nhà bước ra. Tôi chào trước và ngỏ ý muốn vào gặp giáo sư. Cậu ta từ tốn đáp:
- Ba cháu cùng cả nhà đang dùng cơm.
- Vậy thôi! Nhưng cháu có thể nán giây lát cho chú hỏi vài điều?
- Dạ! Chú cứ hỏi.
- Nhà cháu ở đường Nguyễn Thi đây, nhưng có biết Nguyễn Thi là ai không?
- Dạ biết chớ. Đối với học sinh, sinh viên tụi cháu thì ai cũng biết Nguyễn Thi là nhà văn nổi tiếng. Từ còn học phổ thông cháu đã học các tác phẩm: Người mẹ cầm súng và Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi.
- Về tiểu sử của Nguyễn Thi, cháu biết gì?
Chàng trai có vẻ lúng túng, cười. Tôi đỡ lời:
- Cảm phiền! Thôi cháu vào ăn cơm đi. À! Cháu vui lòng cho biết quý danh?
Chàng trai vui vẻ xưng tên tuổi, sinh viên đại học kinh tế năm thứ nhất.
Trở lại với anh xích lô, rộng thời gian, tôi nói với anh vài nét về Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Ngọc Tấn; nhà văn tên tuổi cả nước. Nhà văn đã tham dự chiến dịch Mậu Thân 1968, tấn công vô Sài Gòn, đánh tới đường Minh Phụng quận 6 và hy sinh tại đây; có người ngộ nhận đường Minh Phụng được đổi là đường Nguyễn Thi…
Một anh thợ trẻ từ trong nhà bước ra nghe chuyện. Tôi hỏi:
- Nhà chú ở đây từ bao giờ?
- Từ nhỏ đến giờ.
- Hồi trước con đường này tên gì?
- Năm tôi 18 tuổi, làm thẻ căn cước thấy ghi đường Nguyễn Văn Thạch. Sau Sài Gòn giải phóng mới đổi tên đường Nguyễn Thi. Cũng như Nguyễn Văn Thạch, tôi chẳng biết gì về lai lịch Nguyễn Thi. Nay nghe chú nói mới biết Nguyễn Thi là nhà văn.
Từ giã hai người, tôi trở lên đầu đường, dừng lại lâu trước thềm Trung tâm Bưu điện Chợ Lớn với cánh cửa kính, mở ra khép vào liên tục rồi nhìn lên tấm biển lớn với số 26 Nguyễn Thi mà cảm nhận chân dung anh hiển hiện với gương mặt trong sáng, thông minh, trữ tình mà nghiêm nghị như buồn xa vừa như giận hờn...
Tôi dẫn xe đi lang thang với nỗi nhớ ngày nào cùng Nguyễn Thi cuốc bộ qua cánh đồng “chó ngáp” Đồng Tháp Mười trong chuyến về Bến Tre quê hương Đồng Khởi. Hồi ấy chưa dám mơ có một ngày thong dong đi trên đường phố Sài Gòn hòa bình. Nhưng chắc hẳn Nguyễn Ngọc Tấn đêm ngày hàng khát vọng cháy bỏng tìm gặp con gái Trang Thu nên hăm hở lao theo đơn vị mũi nhọn tấn công vào Sài Gòn những ngày Xuân Mậu Thân lịch sử.
Giờ thì tôi đang đi trên con đường mang tên anh giữa lòng TPHCM hòa bình rồi đây, nghe hạnh phúc dâng lên niềm thương tiếc lẫn đau buồn! Giờ hồn thiêng anh hiển linh có về đây? Ôi! Nỗi khát vọng của anh âm ỉ cháy vĩnh hằng trong lòng đất!... Và anh có biết chăng? Hiện người thân, người thương bè bạn cùng người mến mộ vẫn kiên trì bằng mọi giá, mọi cách đi tìm hài cốt anh…
Mặc dù chưa tìm được di hài anh chính xác tọa lạc nơi nào, song tên anh, nhân cách anh, hồn văn anh vẫn sống trong lòng thế hệ qua tác phẩm của anh, qua lòng đường mang tên anh và cánh chim thơ từ Trung tâm Bưu điện Chợ Lớn số 26 Nguyễn Thi, hàng phút, hàng giây anh linh Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi giao lưu cùng muôn phương.
THANH GIANG