Con đường pháp lý đi đến hòa bình và ổn định ở biển Đông

Đã ký kết, phải tuân thủ
Con đường pháp lý đi đến hòa bình và ổn định ở biển Đông

Hiệp hội Quốc tế các quỹ hòa bình đã tổ chức hội thảo bàn tròn với chủ đề: “Biển Đông - Con đường pháp lý đi đến hòa bình và ổn định”. Tham dự hội thảo có gần 30 học giả, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành của Nga về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đại diện Bộ Ngoại giao, các cơ quan báo chí, truyền thông Nga. Các đại biểu đều nhất trí rằng chỉ có tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình mới giúp biển Đông “lặng sóng”.

Ảnh chụp từ vệ tinh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, nơi xuất hiện các tàu của Trung Quốc theo tố cáo của Philippines

Đã ký kết, phải tuân thủ

10 bài tham luận phân tích nhiều khía cạnh trong quá trình tranh chấp trên biển Đông từ trước tới nay cả trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, cũng như đưa ra những đánh giá, nhận xét về phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye (Hà Lan) ngày 12-7 vừa qua, trong đó tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở biển Đông.

Ông Grigory Lokshin, Tổng thư ký Viện Hòa bình Vienna, cho biết phán quyết của Tòa trọng tài là sự giải thích rõ ràng nhất cho các quy định của UNCLOS năm 1982 và trở thành điều kiện tiên quyết, làm cơ sở pháp lý để các bên liên quan trong khu vực tiếp tục đối thoại và hợp tác trong thời gian tới. Ông Lokshin chỉ ra rằng phán quyết của Tòa trọng tài có tính ràng buộc thực hiện, khi một quốc gia đã ký kết thỏa thuận quốc tế thì phải có nghĩa vụ tuân theo thỏa thuận đó và việc một quốc gia không thực hiện phán quyết sẽ hạ thấp uy tín của quốc gia đó trên trường quốc tế.

Trong khi đó, ông Pavel Gudev - chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế mang tên Primakov (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài đã bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông. Những yêu sách đó không dựa trên cơ sở pháp lý nào, thậm chí còn đang vi phạm hoàn toàn các chuẩn mực và quy định của luật pháp quốc tế. Các đại biểu tham dự hội thảo kêu gọi các bên liên quan cần phải tìm phương án giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Kết thúc hội thảo, ban tổ chức đã trình chiếu các bản đồ cổ của Việt Nam, Pháp, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền lịch sử ở biển Đông, đồng thời khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Phản đối hành động lấn chiếm

Cho dù bản thông cáo chung của Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á vừa qua không lên án Trung Quốc đe dọa hòa bình tại biển Đông, nhưng hành động lấn chiếm biển đảo và thái độ xem thường luật pháp đã khiến cho Bắc Kinh 2 lần bị công kích.

Ngày 7-9, ngày đầu tiên của Thượng đỉnh ASEAN tại Lào, phái đoàn Philippines đã bất ngờ “khai hỏa” trình bày các tấm không ảnh chụp bên trên vùng bãi cạn Philippines gọi là Scarborough, còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham bị Hải quân Trung Quốc lấn chiếm vào năm 2012. Tuy đã xây một loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa có đường bay cho máy bay quân sự và xây hải đăng, nhưng Bắc Kinh khẳng định chưa xây dựng gì trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Thế nhưng, Manila trưng bày hình chụp cho thấy có nhiều tàu có khả năng nạo vét và các hoạt động cần thiết để xây dựng một đảo nhân tạo chỉ cách đảo Luzon của Philippines hơn 250km, nơi có 2 căn cứ đóng quân của Mỹ.

Sau đó một ngày, cũng tại Lào, Trung Quốc lĩnh “phát pháo” thứ hai. Lần này, đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc nhở Trung Quốc là phải biết tôn trọng luật pháp quốc tế, kêu gọi Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài La Haye có nội dung phủ nhận toàn bộ mọi yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại biển Đông. Tổng thống Mỹ khuyến cáo Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết trọng tài cho dù bất lợi cho tham vọng.

Theo giới phân tích, nếu Trung Quốc xây đảo ở Scarborough/Hoàng Nham thì khó có thể tránh được xung đột xảy ra và khả năng đụng độ giữa tuần duyên Trung Quốc và chiến hạm Philippines là rất cao.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục