Con đường tất yếu

Từ một điểm xuất phát rất thấp và lạc hậu, nền kinh tế Việt Nam đã vật vã vươn lên để hướng tới một nước công nghiệp hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường tất yếu mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn, bởi lẽ sau khi giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ và xâm lăng của các nước đế quốc, Việt Nam không thể đi theo con đường tư bản chủ nghĩa - một con đường mà lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng chứa đầy máu và nước mắt của giai cấp công nhân và những người cần lao. Bước nhảy vọt này là một sự tiến bộ về quan hệ sản xuất, về hình thái kinh tế xã hội, song nó lại bị hụt hẫng về lực lượng sản xuất, chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cho hình thái kinh tế xã hội mới xã hội chủ nghĩa.

Sự hụt hẫng đó thể hiện rất rõ trên bức tranh thực trạng các doanh nghiệp của nước ta hiện nay: Trong số hơn 500.000 doanh nghiệp (được hình thành theo Luật Doanh nghiệp) đang sản xuất và kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực thì có đến 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy chiếm số lượng đông, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ đóng góp 40% GDP cho cả nước. Số còn lại được gọi là doanh nghiệp lớn (theo định tính và định lượng) - ngoại trừ một vài tập đoàn kinh tế do nhà nước chủ động lập ra để định hướng phát triển cho nền kinh tế - phần đông cũng chưa có tiềm lực thật sự mạnh về vốn, kỹ thuật và nhân lực để có thể chi phối thị trường trong và ngoài nước. Cho nên, mặc dù đây đó đã xuất hiện từng mảnh, từng bộ phận của nền kinh tế các nước phát triển, nhưng nhìn toàn cảnh, kinh tế nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ, phân tán.

Đi sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng thấy sự manh mún, trình độ thủ công và cách quản lý “gia đình trị” là hình ảnh phổ biến của các doanh nghiệp này. Thiếu vốn, không thể đầu tư lớn, trình độ quản lý lạc hậu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ sức cạnh tranh, không thể đứng vững trước những biến động của thị trường, tất yếu dẫn đến phá sản. Trên thực tế, chỉ một cơn sóng nhỏ của kinh tế thế giới dạt vào Việt Nam cũng làm cho gần 80.000 doanh nghiệp biến mất khỏi danh mục của nền kinh tế và hàng chục ngàn doanh nghiệp khác đứng bên bờ vực thẳm. Đó cũng là hệ quả tất yếu của kinh tế thị trường mà rõ nhất là tác động của quy luật tự do cạnh tranh, quy luật giá trị, quy luật cung cầu hiện diện hàng ngày hàng giờ trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở Việt Nam hiện nay.

Để chống chọi với sự đào thải khắc nghiệt của kinh tế thị trường và trước mọi diễn biến tác động khó lường của kinh tế thế giới, theo các nhà nghiên cứu và chuyên gia quản lý kinh tế, trước hết các doanh nghiệp phải “tự lớn” lên. Trong đó, tích tụ và tập trung sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cùng ngành hoặc đa ngành thành một doanh nghiệp lớn được coi là giải pháp khả thi nhất. Quá trình tích tụ vốn, máy móc, thiết bị nhà xưởng… không những tăng nhanh tiềm lực cho doanh nghiệp trong cạnh tranh mà còn có thể chủ động chiếm lĩnh thị trường để doanh nghiệp có thể tiêu thụ sản phẩm, quay nhanh vòng vốn cho tái sản xuất mở rộng, vượt qua được những khó khăn trong mọi tình huống tác động xấu của kinh tế thế giới và trong nước.

Các doanh nghiệp đã bị phá sản cũng có thể tham gia quá trình tích tụ và tập trung này để hình thành những doanh nghiệp lớn chuyên ngành hoặc đa ngành, đa lĩnh vực. Một số doanh nghiệp khác có thể trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn… Đó cũng là con đường tất yếu từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn trong nền kinh tế thị trường.

Đương nhiên, quá trình tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của nhà nước như một “bà đỡ” cho sự hình thành những doanh nghiệp lớn. Trong đó, ngoài việc tạo một hành lang pháp lý cho sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp, những cơ chế đặc thù cho một số lĩnh vực, nhà nước cần có những chính sách điều chỉnh kịp thời kinh tế vĩ mô như lãi suất ngân hàng, vốn vay ưu đãi, miễn thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng… cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn tồn tại một cách khách quan và là một trong những chủ thể của nền kinh tế trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. 

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục