Còn lỗ hổng lớn về chính sách thuế làm thất thu ngân sách, mất cán bộ ​

Qua giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc xây dựng chính sách thuế chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế, thiếu phản biện, lắng nghe...
Công bố kết quả giám sát lĩnh vực thuế, hải quan
Công bố kết quả giám sát lĩnh vực thuế, hải quan

Ngày 24-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức công bố kết quả giám sát việc thực hiện nhiệm vụ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Cuộc giám sát về thuế và hải quan đã được 6 cơ quan phối hợp thực hiện trong 3 năm qua; đã khảo sát điều tra xã hội học đối với gần 100 hiệp hội DN, liên minh hợp tác xã và 11 tỉnh thành phố; tổ chức 3 đoàn giám sát tại Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM.

Qua giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc xây dựng chính sách thuế chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế, thiếu phản biện, lắng nghe… Cùng với đó, còn lỗ hổng rất lớn về chính sách, dẫn đến làm môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, thất thu ngân sách, mất cán bộ.

Qua giám sát tại 12 cục thuế, hải quan và một số chi cục cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, một số công chức trong thực thi công vụ có thái độ ứng xử trong giao tiếp chưa tạo sự hài lòng, thân thiện với người dân. Cá biệt có nơi, có lúc còn có biểu hiện gây phiền hà, bức xúc cho người dân, DN.

Dẫn chứng từ báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 được Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố ngày 26-9-2017, Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, xếp hạng 55 trên 137 quốc gia, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nếu xét riêng theo từng nhóm yếu tố thành phần cấu thành chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp thì Việt Nam chỉ đứng trên 2 nước Campuchia và Lào. Thực tế này rất đáng suy nghĩ và là những áp lực đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn trong nội dung phối hợp của 6 cơ quan, tổ chức thời gian tới đây để tiếp tục cải thiện hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá cao nỗ lực ngành bộ tài chính, ngành thuế, hải quan trong thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Đặc biệt, việc chuyển từ nộp thuế, kê khai thuế sang nộp thuế điện tử là một cuộc cách mạng lớn, được DN đánh giá cao. Nhưng dư địa của 2 lĩnh vực này còn nhiều, cần tiếp tục cải thiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Hoàn toàn có thể giảm thiểu nhiều hơn các điều kiện kinh doanh, giảm thiểu các thủ tục hành chính.

Theo ông Thanh, vừa qua Thủ tướng chủ trì hàng loạt các hội nghị toàn quốc về chi phí logistic, xuất khẩu, đầu tư xây dựng... đã cho thấy chi phí logistic tại Việt Nam chiếm tới 20,9% GDP là còn cao, rất cao, do chỉ tổ chức đơn tuyến và chủ yếu chỉ có đường bộ, thiếu sự liên kết, vận tải 45% xe chạy rỗng quay về.  

“Phải làm sao giảm chi phí logistic xuống dưới 20%, nếu không DN sẽ thua ngay trên sân nhà. Thủ tục thuế, hải quan cũng là nguyên nhân gây nên chi phí logistic cao”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng lấy ví dụ, trong lĩnh vực giao thông, đang tồn tại bất cập trong việc thu thuế của taxi công nghệ và truyền thống. Vừa qua, có 2-3 hiệp hội taxi thuế của 3 miền đề nghị ngành thuế giải thích cách tính thuế của taxi công nghệ nhưng chưa có sự giải thích thỏa đáng. 

“Taxi công nghệ nộp thuế nhiều, còn Uber, Grap nộp rất ít, nay Uber rút lui, tiền thuế lẽ ra phải nộp không biết đi đâu? Điều đó tạo nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình taxi. Chúng tôi đồng ý ai không đổi mới công nghệ sẽ không thể cạnh tranh nhưng cũng không chấp nhận cạnh tranh thiếu lành mạnh thông qua việc trốn thuế và nộp thuế không công bằng. Điều này có trách nhiệm của ngành thuế”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Ông Phạm Công Tham, Phó Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cũng kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ các DN làm ăn chân chính bị rủi ro về thuế. Cần tiếp tục giảm thủ tục kinh doanh về thuế, hải quan để tạo điều kiện cho DN.

Ý kiến của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng phàn nàn ngoài thủ tục thuế, hải quan còn nặng nề thì còn rất nhiều loại phí đổ lên đầu DN. 

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho hay, đề án hóa đơn điện tử đang được trình, tới đây các DN sẽ nộp hóa đơn điện tử. "Như vậy sẽ quản lý sát hơn, chống thất thu thuế cũng như giảm thiểu được thủ tục cho người nộp thuế", ông Tuấn nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thuế còn nhiều vấn đề, chưa đồng bộ, chính sách thuế cần ổn định trong thời gian dài để tạo điều kiện cho DN trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc kết nối thông tin còn kém, chưa hoàn thiện một kho dữ liệu liên thông từ ngân hàng, thuế, hải quan.

Tin cùng chuyên mục