Còn lúng túng trong triển khai văn bản pháp luật về phòng, chống dịch

Một số ý kiến nêu rõ, có nơi, có lúc việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 còn lúng túng, tác động tiêu cực đến công tác lưu thông hàng hóa, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về thực trạng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương; đồng thời xem xét, sửa đổi định mức chi cho công tác này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp

Ngày 29-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp; triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, các Bộ trưởng đã thường xuyên quán triệt, đôn đốc công tác triển khai thi hành hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo rà soát, đề xuất giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo của các luật gây khó khăn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, từ ngày 1-10-2020 đến ngày 24-9-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 102 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, đã ban hành 94/102 văn bản. Bộ Tư pháp cũng đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 74 văn bản có quy định trái pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại phiên họp, các ĐB đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác này. Đáng lưu ý, công tác xây dựng pháp luật để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho người lao động bị tác động tiêu cực của đại dịch đã được quan tâm, tập trung thực hiện. Các văn bản quy định pháp luật về miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế.... được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số ý kiến nêu rõ, có nơi, có lúc việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 còn lúng túng, tác động tiêu cực đến công tác lưu thông hàng hóa, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về thực trạng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả; đồng thời cần xem xét, sửa đổi định mức chi cho công tác này.

Phản hồi các ý kiến trên, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp đang hỗ trợ Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Thông tư 338 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, định mức chi dự kiến được nâng lên, nội dung chi phong phú hơn, thủ tục thanh quyết toán được rút gọn.

Cùng ngày, Ủy ban Pháp luật cũng họp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tin cùng chuyên mục