Con người là yếu tố quyết định

Trong bối cảnh hiện nay, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí đang là mối quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân và các ĐBQH. Điều này hiện được thể hiện rất rõ trong các phiên thảo luận của Quốc hội.

Trong bối cảnh hiện nay, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí đang là mối quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân và các ĐBQH. Điều này hiện được thể hiện rất rõ trong các phiên thảo luận của Quốc hội.

Một trong vấn đề cụ thể đang được nhiều các ĐBQH quan tâm là việc đã 2 năm liền nhà nước lỗi hẹn tăng lương cho người hưởng lương. Lý do là ngân sách khó khăn, không thể lấy đâu ra nguồn tiền khoảng 40.000 tỷ đồng để tăng lương. Tuy nhiên, hàng loạt hiện tượng lãng phí, thất thoát, tham nhũng... đã được ĐBQH dẫn ra để khẳng định rằng, nếu quản lý tốt, nếu chống được tham nhũng, hạn chế được thất thoát, lãng phí thì không chỉ có 40.000 tỷ đồng để tăng lương mà còn có thể có nhiều tiền hơn thế nữa để làm việc khác. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) ví dụ, Bộ GTVT chỉ điều chỉnh một số dự án, công trình đã tiết kiệm 35.000 tỷ đồng. ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói, nhiều công trình, dự án tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng, song hiệu quả và công năng sử dụng lại rất khiêm tốn, thậm chí có những công trình do “đẻ non, chín ép” nên vừa khai trương đã khai tử, bỏ hoang hóa, hư hỏng, xuống cấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê làm các dịch vụ phi văn hóa, phi lợi ích công. Những ngôi nhà công vụ ở vị trí đắc địa, đất ngọc đất vàng được sử dụng không đúng mục đích, nếu quản lý tốt thì hàng ngày đã có thể đẻ trứng vàng cho ngân sách nhà nước.

Tham nhũng thì ngày càng tinh vi, tỷ lệ thu hồi tài sản từ tham nhũng không đáng kể, chỉ khoảng trên 20%... Đó là những thất thoát, lãng phí mà ngày ngày người dân đang chứng kiến, rất bất bình, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh để chấn chỉnh, khắc phục. Chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nhưng tái cơ cấu mà vẫn còn đó đầu tư công, vẫn còn thất thoát, lãng phí. Vẫn còn ký túc xá không có người ở, vẫn còn xây chợ không có người vào buôn bán, vẫn còn đó con đường đắt nhất hành tinh... Không đâu khác, 3 lĩnh vực tham nhũng, thất thoát, lãng phí đang làm nghèo đất nước bởi những gì đang mất đi, hao tổn đi.

Vấn đề đặt ra là chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí đã được đề cập trong mọi nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, được đưa ra ở các phiên họp của Quốc hội. Đó cũng là những vấn đề mà mỗi một ĐBQH khi lên tiếng đều rất trăn trở, bức xúc. Nhưng dường như mỗi một năm qua đi, một nhiệm kỳ qua đi, lại vẫn còn đó nỗi trăn trở cũ. Nhiều ĐBQH cho rằng, cơ chế chính sách để thực hiện chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí không thiếu, dù có thể chưa hoàn thiện nhưng cũng đã có rất nhiều. Đó cũng là quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, Nhà nước, là mong mỏi bức thiết của mỗi một người dân. Vậy tại sao chống tham nhũng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Phải chăng là do chính yếu tố con người?

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, cán bộ là gốc của công việc, quyết định thành công hay thất bại, cần mạnh dạn và quyết liệt thực hiện thu hút nguồn nhân lực thực sự đủ chất, đủ chuẩn, những người đảm nhận vị trí đứng đầu. Dù ở bất cứ cương vị nào từ cơ sở địa phương hay Trung ương thì cũng phải thực sự là những người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung, vì quyền lợi của đất nước, ngẩng cao đầu mà làm.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng đã lên tiếng rất thẳng thắn, con người là yếu tố quyết định của mọi giải pháp. Cuộc chiến chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. “Nếu chúng ta giao quyền và tài sản cho những người kém cỏi về năng lực và đạo đức, lại tham lam, người ta chưa mua đã chủ động chào bán, thậm chí buộc người ta phải hối lộ như là điều kiện để người ta phải làm ăn với mình thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc, thậm chí là mất nước. Cán bộ lãnh đạo phải có đủ các tiêu chí: có tài, có đức, yêu nước, có tư duy và có khả năng đổi mới, dân chủ, hội nhập. Những người năng lực kém, đầu óc cũ kỹ quá thì không nên giao chức vụ cao” - ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm. Đó không chỉ là cảnh báo trên nghị trường mà còn là mong mỏi thiết tha của đông đảo nhân dân. Bởi kể cả khi luật pháp đã đầy đủ, quyết tâm chính trị đã có thừa, nhưng yếu tố quyết định thành bại của cuộc chiến chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí là con người lại không thực sự dấn thân thì mãi mãi cuộc chiến đó không giành thắng lợi.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) rất thẳng thắn khi cho rằng đất nước ta không thiếu những người tâm huyết, tài năng, nhưng họ không có điều kiện may mắn và không có vị trí xứng đáng để có thể giúp dân, giúp nước. Cho nên phải bằng cơ chế tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm, minh bạch, công khai. Bởi những “giám khảo” có tâm thì họ mới cơ hội đem tâm huyết, trí tuệ của mình giúp dân, giúp nước được. Còn không họ mãi mãi đứng ở vị trí thứ tư, sau hậu duệ, quan hệ và tiền tệ. Có lẽ, đó là điều mà nhân dân đang mong chờ một cuộc cải cách thực sự về bộ máy, về trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục