Còn nhiều hiểm họa cháy nổ

Vụ nổ kinh hoàng làm 3 căn nhà bị sập, 10 người chết tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3, TPHCM) vào rạng sáng 24-2 chính là hậu quả khó tránh khỏi của việc xem thường hiểm họa cháy nổ, chưa quản lý chặt chất nổ và nguyên liệu sản xuất thuốc nổ. Không chỉ với chất nổ, nhiều người dân cũng cảm thấy bất an khi ngay trong khu dân cư có những cơ sở sang chiết gas, hàn xì, quán ăn dùng bình gas mini dễ xảy ra cháy nổ.
Còn nhiều hiểm họa cháy nổ

Vụ nổ kinh hoàng làm 3 căn nhà bị sập, 10 người chết tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3, TPHCM) vào rạng sáng 24-2 chính là hậu quả khó tránh khỏi của việc xem thường hiểm họa cháy nổ, chưa quản lý chặt chất nổ và nguyên liệu sản xuất thuốc nổ. Không chỉ với chất nổ, nhiều người dân cũng cảm thấy bất an khi ngay trong khu dân cư có những cơ sở sang chiết gas, hàn xì, quán ăn dùng bình gas mini dễ xảy ra cháy nổ.

  • “Kho mìn” vây quanh chợ Kim Biên

Chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) là nơi buôn bán hóa chất rất đa dạng. Cách đây 7 năm, việc bán hóa chất công nghiệp trong chợ đã bị cấm. Bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên, cho biết toàn chợ hiện nay có 17 hộ kinh doanh các loại hóa chất, tuy vậy bà khẳng định các tiểu thương chỉ bán hương liệu, phụ gia thực phẩm, không kinh doanh thực phẩm công nghiệp, hóa chất dễ gây cháy nổ, hóa chất không rõ nguồn gốc.

Phóng viên đã khảo sát thực tế và ghi nhận hiện nay trong chợ không còn ai bán hóa chất công nghiệp chỉ còn hóa chất thực phẩm. Tuy nhiên, một số tiểu thương đã thuê những nhà gần chợ để tiếp tục buôn bán các hóa chất công nghiệp dễ cháy nổ. Khi chúng tôi vào chợ hỏi mua hóa chất công nghiệp thì những người bán các gian hàng bên trong chợ chỉ ra chi nhánh ngoài chợ để mua.

Một tiểu thương có sạp ở mặt tiền đường Kim Biên cho biết: “Mua ít hay nhiều đều có. Muốn lấy hàng thì qua chi nhánh 2 của sạp, ở bên kia đường, vì ở đây bảo vệ chợ phát hiện sẽ xử lý”. Ghé một sạp khác ở mặt tiền trên đường Vạn Tượng, chúng tôi cũng được chủ sạp hướng dẫn tương tự.

Buôn bán hóa chất gần tiệm điện dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Ảnh: THANH HẢI

Buôn bán hóa chất gần tiệm điện dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Ảnh: THANH HẢI

Dạo các con đường Phan Văn Khỏe, Kim Biên, Gò Công, Phùng Hưng, Vạn Tượng, có thể dễ dàng tìm thấy các cửa hàng chuyên bán hóa chất công nghiệp vây bủa xung quanh chợ. Phần lớn, hóa chất công nghiệp được chiết sang các thùng nhựa nhỏ để trước cửa hàng bày bán mà không có nhãn mác, cảnh báo nguy cơ cháy nổ, mà chỉ ghi tên hóa chất bằng bút lông trên can nhựa.

Ngay sau vụ cháy nổ kinh hoàng tại quận 3, một bạn đọc ngụ tại đường Phan Văn Khỏe lo lắng phản ánh qua đường dây nóng Báo SGGP: “Gần nhà tôi rất có nhiều cửa hàng bán hóa chất công nghiệp dễ cháy nổ. Rất mong chính quyền quy hoạch một chỗ bán hóa chất riêng tách khỏi khu dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân”.

Nhiều cửa hàng buôn bán hóa chất xung quanh chợ Kim Biên vẫn phớt lờ nguy hiểm. Dù tủ điện có biển cảnh báo nguy hiểm chết người, cấm lại gần nhưng cửa hàng Hạnh Xuân, đường Kim Biên (bên hông chợ) vẫn bày bán những can nhựa hóa chất công nghiệp xung quanh tủ điện. Thậm chí bên trên tủ điện cũng bày những can hóa chất như cồn khô, cồn nước… Mặc dù đã được cảnh báo không nên buôn bán hóa chất gần nơi dễ phát ra tia lửa điện để tránh nguy cơ cháy nổ, nhưng các cửa hàng hóa chất Bảo Ngọc, Yến Bích vẫn tận dụng mặt bằng bán chung với các tiệm điện, hệ thống điện được đặt gần những can nhựa chứa hóa chất.

  • “Bom nổ chậm” trong quán ăn

Nguy cơ cháy nổ không chỉ tồn tại ở các chợ hóa chất phụ gia, tiệm bán hóa chất công nghiệp, mà còn tiềm ẩn tại các nhà hàng, quán nhậu. Dù ngành chức năng đã có quy định bình gas mini chỉ được sử dụng một lần sau khi sản xuất, thế nhưng hiện nay vì lợi nhuận, nhiều tiệm ăn vẫn bất chấp, tái sử dụng nhiều lần đối với loại bình gas này.

Chỉ riêng trên tuyến đường Bông Sao (phường 5, quận 8) đoạn từ nút giao đường Tạ Quang Bửu đến đường Bùi Minh Trực có gần chục quán ăn lớn nhỏ, tất cả các quán đều sử dụng bếp gas mini với bình gas cũ kỹ, gỉ sét để đun nấu thức ăn cho khách. Khi sử dụng nhiều lần, van đầu bình gas mini bị lỏng, đáy bình mỏng bị ăn mòn sẽ phát sinh lỗ mọt, gas rò rỉ và tích tụ bên ngoài, gặp mồi lửa dẫn đến cháy nổ. Càng nguy hiểm hơn, một số quán còn tích trữ cả bình gas loại lớn trong nhà để tiện sang chiết gas vào những bình gas mini khi sử dụng hết gas.

Nguy cơ cháy nổ từ việc sử dụng nhiều lần bình gas mini là vậy, nhưng hiếm khi thấy lực lượng chức năng, chính quyền kiểm tra, xử lý các vi phạm này. Khi chúng tôi hỏi việc sử dụng bình gas mini nhiều lần có bị xử phạt, hầu hết chủ các quán nhậu trên các tuyến đường Hoàng Sa (quận 3), Sư Vạn Hạnh (quận 5), Thành Thái (quận 10), Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11), Thống Nhất (quận Gò Vấp)… đều có chung trả lời: “Quán hoạt động có đủ ban ngành đến kiểm tra nhưng chưa có đơn vị nào lập biên bản, phạt lỗi sử dụng bình gas mini cũ bao giờ”.

Tại TPHCM, “bom” còn xuất hiện nhan nhản trên đường phố, tiệm sửa và rửa xe. Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có rất nhiều cửa hàng sửa xe máy, rửa xe sử dụng bình hơi cũ kỹ, thậm chí có nơi sử dụng cả những bình hơi có vỏ bên ngoài bị rạn nứt, hàn đi hàn lại nhiều lần.

  • Tăng cường kiểm tra, xử lý

Trao đổi với PV Báo SGGP về tình hình kinh doanh, buôn bán hóa chất xung quanh chợ Kim Biên, ông Châu Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường 13 quận 5, cho biết, hiện nay, khu vực xung quanh chợ Kim Biên có 42 điểm kinh doanh các loại hóa chất. Hiểu được việc mua bán, vận chuyển, sử dụng hóa chất, nhất là các loại hóa chất công nghiệp rất nguy hiểm, nên phường thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 và Phòng Kinh tế quận 5 tổ chức kiểm tra, xử phạt các trường hợp kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất nguy hiểm cấm lưu hành, cũng như việc bảo quản, lưu trữ hóa chất không đúng quy định.

Trong đợt kiểm tra gần đây nhất vào cuối năm 2012, đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý 3 trường hợp kinh doanh hóa chất không đảm bảo an toàn cháy nổ. Để tránh sự cố cháy nổ có thể xảy ra ở khu vực trong và ngoài chợ Kim Biên, phường đang lên kế hoạch phối hợp cùng các đơn vị chức năng, nghiệp vụ kiểm tra tổng quát hoạt động kinh doanh, lưu trữ hóa chất tại đây. 

TUẤN VŨ - THANH HẢI

Các mặt hàng có nguy cơ cháy nổ không nên cấp phép SX-KD trong khu dân cư 

Từ vụ nổ thảm khốc ở quận 3 TPHCM, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi phải chăng đã có lỗ hổng trong quy định về cấp phép, quản lý đối với doanh nghiệp (DN) hoạt động ở các lĩnh vực có nguy cơ gây cháy nổ cao. PV Báo SGGP đã trao đổi với Luật sư Thái Văn Chung, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyên Giáp (Đoàn Luật sư TPHCM), về vấn đề này. Luật sư Thái Văn Chung cho biết:

Nguy cơ cháy nổ từ chất nổ, xăng dầu, gas, hóa chất rất khó lường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hậu quả của các vụ cháy nổ không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho DN mà còn ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh. Gas, hóa chất… dễ gây cháy nổ, là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên việc cấp giấy phép, quản lý nghiêm ngặt, theo quy định riêng.

Thế nhưng, theo quy định pháp luật hiện hành, những DN kinh doanh các mặt hàng dễ gây cháy nổ như gas, hóa chất… vẫn được cấp phép hoạt động trong các khu dân cư, chợ. Nhà ở, chợ bị trở thành nơi bán hàng, kho chứa hàng. Dù các cơ sở này đảm bảo phòng chống cháy nổ theo đúng quy định, nhưng khi sự cố xảy ra thì hậu quả rất khó lường. Vì thế, Nhà nước cần thay đổi quy định, theo đó tuyệt đối không cấp giấy phép hoạt động cho các DN có nguy cơ cháy nổ cao trong khu dân cư, mà phải có khu vực riêng, tách biệt.

* Phóng viên: Các DN kinh doanh gas, hóa chất như “bom nổ chậm” trong khu dân cư, làm những cư dân sống liền kề bị bất an. Người dân có quyền khởi kiện yêu cầu DN ngưng hoạt động và đền bù thiệt hại không?

* Luật sư Thái Văn Chung: Đây là một vấn đề nóng hiện nay, nhiều người thực sự lo lắng, trầm cảm khi sống cạnh các điểm kinh doanh gas, hóa chất… nhưng không thể yêu cầu DN đóng cửa. DN hoạt động theo Luật DN, vì thế chỉ có cơ quan cấp giấy phép mới có quyền thu hồi giấy phép, buộc ngưng hoạt động kinh doanh.

Theo quy định hiện hành, để tòa án thụ lý, người bị hại phải chứng minh được những thiệt hại do phải sống cạnh các điểm kinh doanh gas, hóa chất. Cơ quan tòa án chỉ thụ lý khi xác định về thiệt hại vật chất, còn thiệt hại tinh thần rất khó xác định. Vì vậy, đã đến lúc phải điều chỉnh luật để giải quyết vấn đề này.

* Theo điều tra ban đầu, người gây ra thiệt hại trong vụ nổ tại quận 3 đã chết, vậy đơn vị, cá nhân nào sẽ bồi thường cho những đối tượng bị thiệt hại ?

* Để xem xét lỗi, cơ sở căn cứ bồi thường phải chờ sau khi có kết luận của cơ quan điều tra. Hiện nay, chủ DN đã chết. Nếu DN có mua bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm sẽ bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại. DN được cấp giấy phép và hoạt động theo đúng quy định pháp luật thì cơ quan cấp giấy phép phải liên đới chịu trách nhiệm.

Từ thực tế này cũng đặt ra vấn đề các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực có nguy cơ cháy nổ cao phải mua bảo hiểm bắt buộc vật chất và nhân mạng cho chính DN mình và các đối tượng liên quan xung quanh.

TRẦN YÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục