Còn nhiều khó khăn tại Khu Công nghệ cao TPHCM

Gắn liền với kinh tế - xã hội thành phố 
Còn nhiều khó khăn tại Khu Công nghệ cao TPHCM

Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) được xác định là khu kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước về KH-CN, hình thành một lực lượng sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay SHTP đã tròn 10 năm hoạt động, phần nào đạt được những mục tiêu đề ra, song muốn phát triển hơn nữa, cần tháo gỡ những tồn đọng.

Tại SHTP, nhiều công ty vẫn còn sử dụng nhiều lao động phổ thông (Ảnh chụp tại Công ty Nidec).

Tại SHTP, nhiều công ty vẫn còn sử dụng nhiều lao động phổ thông (Ảnh chụp tại Công ty Nidec).

Gắn liền với kinh tế - xã hội thành phố 

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, kinh tế của TPHCM được phát triển trên cơ cấu gồm 3 lĩnh vực: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và được định hướng tăng dần khu vực “dịch vụ” và “công nghiệp”, giảm dần khu vực “nông nghiệp”. Từ năm 2008, SHTP đã góp phần đáng kể trong kết quả thực hiện định hướng nêu trên, cụ thể trong các dự án đã cấp phép. 

Đến nay đã có 27 dự án công nghệ cao (CNC) đang hoạt động, trong đó có các dự án của những tập đoàn công ty khá nổi tiếng như Intel (sản xuất chipset), Jabil (linh kiện điện tử) của Hoa Kỳ; Nidec (động cơ bước) của Nhật Bản; Datalogic (thiết bị đọc mã vạch) của Italia và còn có sự góp mặt của các công ty Việt Nam như FPT (phần mềm), VNG (nội dung số), Nanogen (dược phẩm cao cấp)… Các doanh nghiệp đầu tư vào SHTP đã tạo ra những giá trị mới. Giá trị sản xuất trong năm 2011 đạt 1,01 tỷ USD (tăng gấp đôi so với năm 2010), trong đó giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD (tăng gấp đôi so với năm 2010) – riêng Intel đạt 450 triệu USD (chiếm 45%), giá trị nhập khẩu đạt 972 triệu USD, giá trị tiêu thụ nội địa đạt 10 triệu USD…

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết, dự án SHTP được Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VII chọn là một trong 12 chương trình, công trình trọng điểm của 5 năm (2001-2005) và được Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII (2006-2010), cũng như Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (2011-2015) tiếp tục xác định là một trong 5 chương trình, công trình mang tính đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư trong các lĩnh vực KHCN, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM, nâng cao tính cạnh tranh để hội nhập khu vực và quốc tế…

Kết quả đạt được qua 10 năm hình thành và hoạt động của SHTP cũng thấy rõ qua lũy kế từ thời gian đầu đến nay, giá trị sản xuất đạt 2,7 tỷ USD, đã đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của TPHCM (năm 2008 là 35%, năm 2009 là 66%, năm 2010 là 50%, năm 2011 là 90%) và nộp ngân sách bình quân hàng năm khoảng 120 tỷ đồng… là những kết quả không nhỏ đóng góp vào phát triển kinh tế thành phố.

Tồn đọng nhiều khó khăn

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoài Quốc, để góp phần lớn hơn vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM, nâng cao tính cạnh tranh để hội nhập khu vực và quốc tế… đòi hỏi hoạt động của các doanh nghiệp trong SHTP phải có những bước đầu tư phát triển tiếp theo cũng như giải quyết những cấn đề đặt ra.

Qua kiểm tra hoạt động doanh nghiệp năm 2011, ghi nhận có 10 dự án triển khai hoạt động R&D theo cam kết (chi phí cho R&D từ 2% đến 38%) tăng gấp đôi so năm 2010; 3 doanh nghiệp ở mức nghiên cứu cải tiến, phát triển sản phẩm: Allied, Sonion, GES và các doanh nghiệp còn lại đang xây dựng kế hoạch triển khai R&D. Điều này cũng có nghĩa các doanh nghiệp Khu CNC chưa phát huy được vai trò trung tâm sản xuất, dịch vụ và ứng dụng CNC đóng góp giá trị gia tăng cao trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Để thúc đẩy các hoạt động KHCN tại SHTP đi sâu hơn vào nghiên cứu, đào tạo, rất cần thành phố xem xét, ưu tiên duyệt kinh phí cho SHTP tổ chức thực hiện chương trình thu hút du học sinh nước ngoài về làm việc hoặc tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ, ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp (kinh nghiệm từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…) và mức chi khoán lương đối với chuyên gia KHCN. SHTP đã kiến nghị thành phố chấp thuận duyệt cấp kinh phí hành năm cho BQL SHTP để xây dựng và thực hiện chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và cấp thiết duyệt giá thuê đất của giai đoạn 2 để mời chào các nhà đầu tư mới...

Quan trọng hơn, để SHTP tiếp tục khẳng định sự đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, ông Lê Hoài Quốc cho rằng thành phố sớm phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Và qua đây cũng kiến nghị: Để giảm áp lực chi ngân sách thành phố, các ngành liên quan cần định hướng SHTP vào đăng ký danh mục đầu tư sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA nhằm tạo nguồn tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn 2 để trình UBND thành phố xem xét; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vấn đề này vì thực tế vấn đề này đã được thực hiện, như Khu CNC Hòa Lạc đã được Chính phủ Nhật Bản đồng ý tài trợ nguồn Viện trợ phát triển chính thức ODA với tổng nguồn vốn cam kết trị giá gần 30 tỷ yên - tương đương khoảng 300 triệu USD.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục