Còn nhiều vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm cho người lao động

(SGGP).- Ngày 16-1, buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Sở LĐTB-XH TPHCM và đại diện Bảo hiểm Xã hội TPHCM diễn ra với sự có mặt của hơn 250 doanh nghiệp tham dự. Đây là buổi đối thoại đầu tiên của năm 2015 và là buổi đối thoại thứ 132 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, nhằm làm nhịp cầu nối giải đáp vướng mắc liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo sở, ban ngành TP.

Buổi đối thoại xoay quanh thông tin về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), cách tính lương thưởng cho người lao động và chính sách dành cho lao động người nước ngoài.

Buổi đối thoại cũng giới thiệu một số nét mới trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung áp dụng từ ngày 1-1-2015. Trong đó, đổi mới có phần tích cực của BHYT được đề cập như khuyến khích BHYT theo hộ gia đình, mở rộng quyền lợi - nâng mức hưởng quyền lợi BHYT. Theo đó, BHYT theo hộ gia đình thì mức đóng phí BHYT của các thành viên trong cùng hộ khẩu hoặc sổ tạm trú sẽ được tiết kiệm.

Cụ thể, với người đóng BHYT đầu tiên phải chịu chi phí hiện nay là 4,5% trên mức lương cơ sở thì với lần lượt người thứ 2, 3, 4 sẽ đóng 70%, 60%, 50%; và từ người thứ 5 trở đi chỉ đóng 40% chi phí của người đầu tiên phải đóng. Đây cũng là chiến lược phát triển BHYT toàn dân của Chính phủ vừa được thông qua.

Bên cạnh đó, một số vướng mắc vẫn còn tồn đọng được các doanh nghiệp nêu lên như chế độ hưởng BHTN. Trước đây, đối với người lao động (NLĐ) làm việc trên 36 tháng thì được hưởng BHTN là 6 tháng, trên 72 tháng là 9 tháng. Thế nhưng, với Quy định BHTN sửa đổi thì NLĐ làm việc trên 36 tháng hưởng BHTN còn 3 tháng, và với 72 tháng thì còn 6 tháng, dẫn đến NLĐ sẽ bị mất quyền lợi nếu họ nghỉ việc ngay tại thời điểm này, dù thời gian trước đó họ đã đóng bảo hiểm đầy đủ.

Song song đó, chế độ BHYT cho NLĐ bị tai nạn giao thông trên đường đi công tác; các điều chỉnh về chức danh giải quyết chế độ độc hại cho NLĐ trong lĩnh vực độc hại cũng chưa được xử lý tận tình. Các vướng mắc này khiến NLĐ phải khó khăn trong vấn đề khai thủ tục điều chỉnh, sửa đổi để được hợp thức hóa chế độ hưởng BHYT, bảo hiểm xã hội cũng như chế độ về hưu.

KHIẾT NHUNG

Tin cùng chuyên mục