Công bằng

Việc nước ta vừa chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với đường mía Thái Lan hay áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số mặt hàng khác của Việt Nam đã làm giảm tác động cạnh tranh bất bình đẳng đối với sản xuất trong nước, giúp vực dậy các doanh nghiệp nội địa, tạo sự công bằng trên thương trường.
Nông dân trồng mía khó khăn vì đường ngoại ồ ạt tràn vào do được trợ cấp và bán phá giá
Nông dân trồng mía khó khăn vì đường ngoại ồ ạt tràn vào do được trợ cấp và bán phá giá

Cách đây gần 1 năm, ngày 21-9-2020, vụ đường mía Thái Lan được Bộ Công thương khởi xướng điều tra CBPG và CTC trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ngày 9-2-2021, bộ này có Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Mới dây, ngày 15-6, Bộ Công thương có Quyết định số 1578/QĐ-BCT, chính thức áp dụng chung cho đường thô (mã số 1701.13.00, 1701.14.00), đường tinh luyện (mã số 1701.99.10, 1701.99.90, 1701.91.00, 1702.90.91) với mức thuế CBPG là 42,99% và CTC 4,65% đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 16-6-2021.

Theo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương, việc ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT dựa trên cơ sở xem xét việc bán phá giá, trợ cấp từ phía Thái Lan, những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, tác động kinh tế - xã hội, kể cả tác động tới doanh nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm đường mía. Kết quả điều tra cho thấy lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019 và bán phá giá ở mức 42,99%, trợ cấp 45,65%; tổng mức độ bán phá giá và trợ cấp là 47,64%. Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận...

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, ngay sau ngày Quyết định 1578/QĐ-BCT có hiệu lực, cổ phiếu của một số nhà máy đường trên sàn chứng khoán tăng mạnh, thậm chí có mã cổ phiếu lên mức kịch trần. Đáng mừng nhất là sau Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời, lượng đường nhập khẩu Thái Lan đã giảm đáng kể, từ mức bình quân 110.000 tấn năm 2020 còn khoảng 28.000 tấn, giảm 75%. Đồng thời, một số hộ nông dân cung cấp mía nguyên liệu đã bán được mía tại ruộng với giá gần 1,1 triệu đồng/tấn, tăng so với giá 840.000 đồng/tấn tại ruộng trước khi áp dụng biện pháp phòng vệ tạm thời. Còn sau Quyết định 1578/QĐ-BCT, nhiều nhà máy đã điều chỉnh tăng giá mua mía để chia sẻ lợi ích với nông dân, có nơi giá thu mua mía tăng thêm 100.000-200.000 đồng/tấn. Theo VSSA, đây là quyết định góp phần quan trọng hỗ trợ cho ngành mía đường Việt Nam phát triển trước bối cảnh mới.

Hiện nhiều đơn vị sản xuất, địa phương và nông dân đã lên kế hoạch mở rộng trồng mía trong niên vụ 2021-2022. Bộ Công thương cũng đang kết hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, VSSA tiếp tục theo dõi sát tình hình nhập khẩu các sản phẩm từ mía, tác động của biện pháp phòng vệ để có giải pháp phù hợp, đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường trong nước.

Tin cùng chuyên mục