Công bằng cho mọi phương tiện đón khách

Ngày 14-11 vừa qua, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất phân làn đưa đón hành khách như sau: Làn A ngay sát sảnh nhà ga quốc nội dành cho hành khách đi máy bay. Kế đến làn B,C dành cho xe ô tô biển số trắng tức là xe không kinh doanh vận tải. Làn D dành cho taxi truyền thống. Các loại xe đưa đón khách dùng app (xe công nghệ) như Grab, Be... được dành cho khu vực lầu 3, 4, 5 của nhà xe TCP. 

Với cách phân làn như vậy, hành khách muốn đi xe công nghệ phải di chuyển từ sảnh qua 4 làn xe mới đến được nhà để xe TCP. Tại khu vực này, thang máy vốn để cho khách gửi xe sử dụng nên nhỏ và hoạt động rất chậm gây nên cảnh ùn ứ nghiêm trọng. Nhiều người, trong đó có cả người già, trẻ em, phụ nữ có thai không chờ được thang máy phải vác theo đồ đạc lỉnh kỉnh chen nhau leo lên các tầng thang bộ bằng sắt vừa nhỏ, chật hẹp vừa nóng nực, tối om. Nhiều người già đi không nổi phải bám lan can để lần lên từng bậc thang… 

Tại sao khu vực đón khách của xe công nghệ lại bị phân biệt đối xử như vậy? Giải thích về việc này trên Báo SGGP số ra ngày 18-11, lãnh đạo Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho biết: “Ưu tiên cho các hãng taxi dừng đón trả khách vì các hãng này đã ký hợp đồng với sân bay”. Như vậy, hiểu theo nghĩa thị trường, sân bay đã “bán bến” cho các hãng taxi, còn các loại hình xe công nghệ không “mua bến” nên bị đẩy ra xa! Nếu đúng như vậy thì rõ ràng lãnh đạo Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã xem thường hành khách sử dụng dịch vụ của xe khách công nghệ. 

Nhiều luật sư cho rằng, mọi dịch vụ trong sân bay phải hướng tới phục vụ hành khách một cách công bằng nhất. Bởi lẽ, khi họ mua vé máy bay, các chi phí về sân bay, cơ bản đã được tính vào giá vé. Chưa kể, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, với giá cước thường rẻ hơn các loại taxi truyền thống nên xe công nghệ thường được nhiều hành khách lựa chọn. Phân biệt đối xử với xe công nghệ, vô hình trung sân bay đã đẩy rất nhiều hành khách lựa chọn đi loại xe này vào tình huống khó như kể trên.

Nỗ lực điều chỉnh làn xe hay tăng sức chứa phương tiện đưa đón tại sân bay của ngành chức năng để tránh ùn tắc giao thông là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mọi phương tiện giao thông phải được sắp xếp chỗ đón khách một cách hợp lý, công bằng vì như vậy cũng là công bằng với hành khách của sân bay.

Về lâu dài, ngành chức năng bao gồm Cục Hàng không, Sở GTVT TPHCM, Công an TPHCM, các địa phương xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất nên nghiên cứu cho hành khách đi tách biệt với hành khách đến để giảm áp lực giao thông cho nhà ga. Giao thông thông thoáng là cơ sở quan trọng để sắp xếp chỗ đón, đưa khách hợp lý, an toàn.

Tin cùng chuyên mục