Việc công luận phản ánh hiện tượng một nữ sinh vừa tốt nghiệp đại học đến lấy xác nhận sơ yếu lý lịch để đi xin việc bị lãnh đạo xã bút phê “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương” dường như đã góp thêm “giọt nước” làm tràn chiếc ly bức xúc của người dân về hành xử của một số cán bộ cấp cơ sở thời gian gần đây. Theo một luật sư chuyên về hành chính công, việc xác nhận cô gái sinh sống tại địa phương và có nhân thân đúng như đã khai là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Bút phê nội dung như trên đã vi phạm quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, Thông tư số 20/2015/TT-BTP và Công văn số 1520/HTQTCT-CT.
Theo Công văn số 1520/HTQTCT-CT mà Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp) gửi các sở Tư pháp địa phương hướng dẫn việc xác nhận sơ yếu lý lịch, trong thời gian Luật Chứng thực chưa được ban hành, UBND cấp xã chỉ được chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Người khai sơ yếu lý lịch phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình kê khai. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch, yên tâm tin tưởng về lời khai đó thì xác nhận nội dung kê khai là đúng. Thậm chí, với việc xin xác nhận vào sơ yếu lý lịch, công dân chỉ cần mang theo bản khai sơ yếu lý lịch, giấy tờ tùy thân rồi đến bất kỳ UBND cấp xã nào trên cả nước để xin xác nhận chữ ký, không nhất thiết phải đến UBND xã nơi mình có hộ khẩu.
Dù sự phản ánh trên mạng xã hội về kỷ luật công vụ lẫn hành vi cư xử trong đời thường của cán bộ công chức cũng cần được “lắng nghe bằng hai tai”, nhưng không thể phủ nhận thực tế là nạn “hành dân” và lạm quyền còn khá phổ biến ở nhiều nơi. Trong khi đó, bộ máy hành chính lại cồng kềnh đến quá mức chịu đựng của người dân! Theo dự thảo báo cáo giám sát của UBTVQH về vấn đề này, chỉ riêng ở các cấp chính quyền địa phương, có tới 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Nhiều tỉnh, thành vượt với tỷ lệ rất cao như Bạc Liêu vượt đến 51,46%; Khánh Hòa (45,68%)…
Đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, mặc dù Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 yêu cầu “tăng cường kiêm nhiệm công việc, khoán quỹ phụ cấp để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách… Mỗi thôn, tổ dân phố có một số chức danh (không quá 3 người) được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước”, nhưng trên thực tế có rất ít địa phương thực hiện đúng quy định này.
Mặc dù tinh giản biên chế là một chủ trương nhất quán đã được đặt ra rất nhiều năm nay, nhưng từ khi triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đến hết năm 2016, đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế. Cụ thể, đến thời điểm 1-6-2017, vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm. Đối tượng tinh giản được - qua thống kê - chỉ tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc ngay hoặc hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, chưa tinh giản được đúng đối tượng là người người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém…
Chẳng trách, đội ngũ công chức đông mà không tinh là một thực tế nhức nhối đang tồn tại hiện nay!