Công dân Việt sơ tán khỏi vùng chiến sự Ukraine: Lòng ngổn ngang vì tài sản bỏ lại

Lúc 11 giờ 30 ngày 8-3, 287 công dân Việt Nam, trong đó có cả trẻ em và người già từ vùng chiến sự Ukraine đã về tới Việt Nam an toàn sau hành trình gần 11 giờ bay từ Bucharest (Romania). Dù được người thân chào đón trở về quê hương nhưng có thể cảm nhận rõ, trong lòng họ ai cũng ngổn ngang âu lo vì tài sản bao năm tích cóp phải bỏ lại nơi đất khách.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, cùng các bộ, ngành đón công dân từ vùng chiến sự Ukraine trở về, ngày 8-3. Ảnh: QUANG PHÚC
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, cùng các bộ, ngành đón công dân từ vùng chiến sự Ukraine trở về, ngày 8-3. Ảnh: QUANG PHÚC

Cuộc sống đảo lộn

Chuyến bay mang số hiệu VN88 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chở 287 công dân khởi hành từ Bucharest (Romania) hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài trưa 8-3 mang theo nhiều tâm trạng của người về cũng như những người thân nơi quê nhà.

Mặc dù được thông báo chuyến bay hạ cánh buổi trưa nhưng nhiều người thân đã có mặt tại sảnh nhà ga T2 sân bay Nội Bài từ rất sớm. Bà Nguyễn Thị Thanh (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) bày tỏ lo lắng cho gia đình con gái và 3 đứa cháu ngoại đang tuổi ăn học khi chiến sự xảy ra ở Ukraine. Bà Thanh cho biết, khoảng 10 ngày nay, ngày nào con gái cũng gọi điện, nhắn tin về. Bà Thanh kể: “Gia đình con gái tôi sống và buôn bán ở thành phố cảng Odessa. Cộng đồng người Việt ở đây rất đông. Không ai nghĩ đến tình cảnh này, mọi người nhanh thì mang được vài bộ quần áo, còn tài sản bỏ lại”.

Nhanh chóng nhận hành lý sau chuyến bay, anh Dương Văn Quyết (sinh sống ở Ukraine 15 năm với nghề kinh doanh vải) cho biết cũng rơi vào tình cảnh “bỏ của chạy lấy người”. Anh cho biết, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và Moldova, anh và gia đình bắt đầu di tản khỏi vùng chiến sự từ 28-2. Sau gần 2 ngày đi ô tô, anh và gia đình đến được Romania. Tại Romania, anh Quyết và gia đình được hỗ trợ thuê xe để tới khu vực tập kết trước khi về Việt Nam. “Về tới quê hương, chúng tôi giải tỏa một phần áp lực vì nỗi lo chiến tranh. Nhưng cũng buồn vì tài sản bao năm gây dựng mất hết. Xót của, nhưng biết làm sao được”, anh Quyết ngậm ngùi.

Những khoảnh khắc xúc động của kiều bào  lúc an toàn trở về quê hương. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng vì tiếc của, chồng chị Trần Thị Lộc (tỉnh Nghệ An) quyết định “cố thủ” ở thành phố cảng Odessa để bảo vệ tài sản sau hơn 20 năm vật lộn với nghề buôn bán quần áo. Bế đứa con gái 4 tuổi trên tay, chị Lộc cho biết, lần này về chỉ có chị và 3 mẹ con, đứa lớn nhất 19 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Cùng hoàn cảnh với chị Trần Thị Lộc, ông Nguyễn Kim Cường (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) vừa kéo vali vừa cho biết, sống ở Ukraine 34 năm ông không nghĩ có ngày lại xảy ra chiến sự ác liệt như vậy. Mặc dù mất mát tài sản nhưng gia đình ông vui vì được Đảng, Nhà nước kịp thời lo cho chuyến bay về nước an toàn.

Tiếp tục đưa công dân về nước

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, bản thân ông vừa vui vừa xúc động bởi chuyến bay “giải cứu” lần này có ý nghĩa đặc biệt vì được tổ chức trong thời gian ngắn. Ông Phạm Quang Hiệu cho hay, từ khi chiến sự xảy ra, chủ trương hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là bảo đảm cho công dân được an toàn, bảo hộ những lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Để thực hiện, Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt để sơ tán, hỗ trợ công dân ra khỏi vùng chiến sự nguy hiểm. Trong đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối và đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chỉ đạo cơ quan đại diện của Việt Nam tại Ukraine, Ba Lan, Romania… tổ chức đưa công dân về nước trên tinh thần “càng sớm càng tốt”.

Ngày 8-3, Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Romania đề nghị Romania hỗ trợ nhân đạo, bố trí nơi ăn ở, chăm sóc y tế cho người Việt và gia đình sơ tán từ Ukraine sang Romania những ngày vừa qua, đồng thời đề nghị tiếp tục hỗ trợ các gia đình Việt Nam từ Ukraine sang Romania trong thời gian tới.

Hiện Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Hãng hàng không Bamboo Airways tích cực chuẩn bị tổ chức chuyến bay ngày 9-3, số hiệu QH9066, dự kiến chở 270 công dân khởi hành từ Warsaw (Ba Lan), hạ cánh tại sân bay Nội Bài sáng ngày 10-3. Các cơ quan đại diện tại Ba Lan và Romania tiếp tục nhận danh sách đăng ký của công dân có nguyện vọng về nước cho các chuyến bay tiếp theo.

THÀNH NAM

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, “chiến dịch” đưa công dân Việt Nam ra khỏi vùng chiến sự tại Ukraine lần này có nhiều điều đặc biệt, dù đây không phải lần đầu tiên sơ tán công dân trên quy mô lớn. Thứ nhất là phần lớn người Việt ở Ukraine đã sống, định cư lâu dài và có nhiều tài sản nên việc rời đi là không dễ dàng. Trên thực tế, vẫn còn số ít người Việt ở lại Ukraine để trông coi tài sản. Hiện, Bộ Ngoại giao vẫn giữ liên lạc với những công dân này để nắm tình hình, khi cần thiết sẽ kịp thời hỗ trợ. Thứ hai là các cơ quan chức năng của Việt Nam phải trao đổi trực tiếp với nước sở tại để tạo hành lang an toàn cho công dân di chuyển.

Theo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine, công dân Việt Nam hiện đã được sơ tán hoàn toàn ra khỏi các khu vực giao tranh để sang các nước lân cận. Theo nguyện vọng của công dân, Bộ Ngoại giao tiếp tục kiến nghị lên các bộ ngành liên quan, tổ công tác đặc biệt và Chính phủ để tiếp tục tổ chức những chuyến bay đưa công dân về nước an toàn thời gian tới.

Đường sắt liên vận từ Việt Nam sang châu Âu bị ảnh hưởng

Ngày 9-3, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, tình hình chiến sự Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến vận tải hàng hóa liên vận từ Việt Nam sang châu Âu.

Theo Tổng Công ty ĐSVN, hàng hóa liên vận đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và châu Âu được triển khai từ tháng 7-2021, thực hiện theo lộ trình qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan để sang Đức và các nước Tây Âu. Trong 4 tháng cuối năm 2021, trung bình mỗi tuần có 3 chuyến tàu container được vận hành từ Việt Nam đến châu Âu, chủ yếu là hàng hóa chất, dệt may, điện tử... Dự kiến trong năm 2022, các đơn vị khai thác sẽ tổ chức 4-5 chuyến/tuần. Tuy nhiên, lộ trình này có khả năng bị ảnh hưởng nếu đường sắt Ba Lan dừng vận chuyển qua biên giới với đường sắt Belarus. Tình hình cũng tương tự với hàng hóa vận chuyển quá cảnh Nga sang châu Âu.

Do lo ngại ảnh hưởng của tình hình chiến sự, hiện các hãng giao, nhận quốc tế đã phải tạm dừng chạy tàu hỏa chở hàng liên vận từ Việt Nam đi châu Âu. Tàu hàng liên vận chỉ còn duy trì giữa Việt Nam - Trung Quốc.

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục