Cộng đồng trách nhiệm

Không phải cứ đến Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) các cơ quan ban ngành mới hô hào rằng “hút thuốc lá có hại”. Chuyện xưa lắm rồi, ai mà chẳng biết. Nhưng nhiều người biết mà để ngoài tai, còn miệng vẫn phì phèo thuốc lá, khói phủ làn sương. Vậy nên dân ghiền thuốc lá mới có câu “Nhớ gì như nhớ thuốc lào, đã chôn nó xuống lại đào nó lên” hay “rít thuốc vào như đoàn tàu lăn bánh, nhả khói ra như mây cuộn rồng bay”. Quả là dân ghiền thuốc lá cũng thi hứng có hạng.

Nhưng đằng sau cái nhớ nhung thuốc lào, sau làn khói rồng bay là hơn 4.000 chất hóa học độc hại, trong đó có 43 chất gây ung thư. Mà đâu chỉ người hút mới nhiễm những chất độc ấy, người ngửi phải khói thuốc cũng nhiễm như thường. Mỗi ngày thuốc lá cướp đi sinh mạng của 100 người dân Việt Nam, chủ yếu trong độ tuổi lao động. Thật bi kịch! Chưa kể, một bộ phận giống nòi phơi nhiễm thuốc lá cũng bị ảnh hưởng đến trí tuệ, thể chất.

Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP của Chính phủ về “Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá” đã tròm trèm 10 năm nhưng tính ra mỗi năm cố gắng lắm kéo giảm chưa tới 1%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá, thuốc lào năm 2001 ở nam giới là 56,1% và năm 2010 là 47,4%, giảm được khoảng 9%. Một con số thật khiêm tốn nhưng cũng là nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đỉnh điểm của nỗ lực ấy bắt đầu từ 1-1-2010 khi Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng theo Nghị định 45/NĐ-CP: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào nơi công cộng…”. Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng đến nay cả nước cũng chỉ mới có 10 người ở tỉnh Lào Cai bị xử phạt. Thật khó tin vì một tỉnh vùng cao như Lào Cai lại kiên quyết với “nàng tiên thuốc lá” đến vậy, còn các đô thị như Hà Nội, TPHCM với trùng trùng điệp điệp ống khói thuốc lá nhả ra mỗi ngày từ cả triệu người dân thì chưa thấy xử phạt được ai cả! Trong khi quy định đã được ban, trách nhiệm đã cụ thể. Điều 45-46 của Nghị định 45 quy định: Thanh tra viên chuyên ngành vệ sinh, khám bệnh, chữa bệnh và dược; chủ tịch UBND cấp phường, xã có quyền cảnh cáo và phạt tiền hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Xác định nguyên nhân “cơn ghiền” thuốc lá vẫn chưa giảm ở Việt Nam, nhiều chuyên gia đều đồng tình rằng vì… ngon, rẻ, dễ mua. Dân ghiền thuốc lá tha hồ chọn thuốc ngon, từ trong nước đến nhập ngoại, đều thượng hạng cả. Thậm chí đi vô mấy nhà hàng bây giờ có các em “xinh xinh” tiếp thị thuốc thơm đến tận bàn, lại khuyến mãi hộp quẹt hoặc mua 1 tặng 1.

Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, Việt Nam có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới, bình quân chỉ khoảng 5.500 đồng/gói. Cứ hút xả láng mỗi ngày một gói thì người có thu nhập thuộc loại thấp vẫn chi trả tốt. Dễ mua thì đã rõ. Không ít người nước ngoài đến Việt Nam sững sờ vì thuốc lá ở Việt Nam mua còn dễ hơn rau ngoài chợ. Một cái tủ nho nhỏ bên vỉa hè cũng đầy ắp các loại thuốc, dừng xe là mua ngay. Một cửa hàng tạp hóa thì vô số thuốc lá. Thậm chí, thuốc lá dạo cũng rong ruổi khắp nơi. Đáng nói, người trưởng thành hút thuốc lá đã đành, học sinh bây giờ cũng lên cơn “ghiền” thuốc lá. Quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi cũng chưa thực hiện được. Sự thực, mức cảnh báo, chế tài hiện chưa đủ thay đổi ý thức và có tác động răn đe. Quy định in cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá hiện nay mới chiếm 30% diện tích chính của bao thuốc chứ chưa chiếm 50% diện tích theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Mức thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chiếm 45% giá bán lẻ, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 65% - 85% do Ngân hàng Thế giới khuyến cáo và so với mức thuế đã đạt được ở các nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Vậy nên thuốc lá ở Việt Nam mới rẻ như bèo.

Công tác chống buôn lậu thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn. Thuốc lá từ Campuchia, Trung Quốc cứ ào ào tuồn lậu qua, bắt không xuể. Trong khi đó, khung pháp lý phòng chống thuốc lá thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể về kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm, trở thành “cha chung không ai khóc”.

Đã đến lúc Chính phủ cần kiên quyết hơn với tình trạng lạm dụng thuốc lá để mỗi năm không phải mất đi 40.000 người dân, đỡ tiêu tốn khoảng 14.000 tỷ đồng mua thuốc lá, và 2.034 tỷ đồng chi phí điều trị cho 3/25 loại bệnh do thuốc lá gây ra. Số tiền ấy để xây dựng các công trình phúc lợi, hỗ trợ cho dân nghèo thì tốt biết mấy. Nhưng để làm được điều đó, ngoài Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan, cộng đồng trách nhiệm cần được nêu cao. Đó là trong các công sở, trường học, văn phòng và cả mỗi gia đình cần có “quy chế” không hút thuốc lá. Còn ở những nơi công cộng, cần nêu cao hơn ý thức của mỗi người dân, trách nhiệm của cơ quan giám sát.


Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục