Cộng đồng và doanh nghiệp xanh - Liên kết bảo vệ môi trường

Hiện TPHCM có khoảng 7.000 tấn chất thải rắn phát sinh hàng ngày. Con số này sẽ còn tăng từ 7% - 15% từ nay đến năm 2020. Nếu rác thải không được phân loại tốt, giúp tăng tỷ lệ rác tái chế thì sẽ gây nên áp lực rất lớn cho hoạt động xử lý rác thải. Thực hiện phân loại tiến tới tái chế chất thải đang được xem là giải pháp hiệu quả nhất mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường.
Cộng đồng và doanh nghiệp xanh - Liên kết bảo vệ môi trường

Hiện TPHCM có khoảng 7.000 tấn chất thải rắn phát sinh hàng ngày. Con số này sẽ còn tăng từ 7% - 15% từ nay đến năm 2020. Nếu rác thải không được phân loại tốt, giúp tăng tỷ lệ rác tái chế thì sẽ gây nên áp lực rất lớn cho hoạt động xử lý rác thải. Thực hiện phân loại tiến tới tái chế chất thải đang được xem là giải pháp hiệu quả nhất mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường.

        Tái chế vỏ nhựa thành tấm lợp sinh thái

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, từ đầu tháng 3-2014, trong khuôn khổ hoạt động của chiến dịch Giờ Trái đất xanh 2014, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM thực hiện chương trình Khu phố xanh. Theo đó, ban tổ chức đã thực hiện vận động và hướng dẫn người dân tại các tuyến đường Độc Lập, Lê Khôi, Lê Lư và Tân Sơn Nhì thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM, khẳng định, khác với những chương trình hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn trước đây không tạo được tính bền vững cho chương trình, dự án do Báo SGGP phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thực hiện mang tính thiết thực hơn.

Cụ thể, lượng rác vô cơ của người dân sau khi phân loại sẽ được định giá theo thị trường. Kế đến, tổng số chi phí mà người dân tích lũy được sau 1 tháng chuyển giao rác thải vô cơ cho nhân viên vệ sinh sẽ được đổi lại là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với giá tiền tương ứng. Điều đáng nói là dự án này không chỉ duy trì trong 1 tháng cao điểm diễn ra chiến dịch Giờ Trái đất xanh 2014 mà còn được duy trì xuyên suốt qua các năm tiếp theo.

Sự thành công của dự án là cơ sở để nhân rộng ra khắp các tuyến đường do công ty đang phụ trách quét dọn và thu gom rác. Cho đến nay, dự án thí điểm Khu phố xanh hạt nhân khuyến khích người dân phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình trên đã cho một kết quả khả quan với số liệu trên 90% các hộ gia đình được tuyên truyền đồng ý tham gia và thực hiện tốt hoạt động phân loại rác.

Lễ khánh thành dự án trường học sinh thái tại Trường tiểu học Mỹ Huề (huyện Hóc Môn, TPHCM).

Lễ khánh thành dự án trường học sinh thái tại Trường tiểu học Mỹ Huề (huyện Hóc Môn, TPHCM).

Không dừng lại đó, để khuyến khích người dân tham gia hưởng ứng hoạt động phân loại rác tại nguồn, đồng loạt tại 6 siêu thị Co.opMart đã thực hiện ngày thu đổi rác vô cơ. Cụ thể, sau một ngày thu gom vỏ hộp nhựa, chai nhựa tại 6 siêu thị Co.opMart trên địa bàn thành phố, đã có hơn 1.000 người dân tham gia thu đổi rác vô cơ nhận quà khuyến mãi. Kết quả thu về trên 600kg nhựa và hơn 38.000 vỏ hộp sữa. Đây là một phần không thể thiếu cho đầu vào của nguyên liệu sản xuất tấm lợp sinh thái, chứng tỏ nỗ lực của dự án có thể tạo ra một quy trình khép kín và hoàn thiện.

Theo công ty Công ty Giấy và bao bì Đồng Tiến, tấm lợp sinh thái được sản xuất chính từ vỏ hộp sữa đã sử dụng, mà thành phần chính là hỗn hợp nhôm - nhựa, được xử lý dưới áp suất và nhiệt độ cao, được tái chế qua một quy trình gắt gao từ việc xử lý bằng thủy lực, sau đó tách giấy và nhôm - nhựa, rồi sấy khô và ép nhiệt tạo ra thành phẩm. Tấm lợp này vừa có độ bền cơ lý cao hơn so với các loại tấm lợp làm từ nguyên vật liệu khác như xi măng, nhựa, tôn, vừa chịu được môi trường có độ ẩm cao, phù hợp với các nhà máy sản xuất, hơn nữa cách nhiệt, cách âm rất tốt so với mái lợp bằng tôn và nhựa mỏng.

Dự án nhằm thay đổi ý thức người dân trong việc sử dụng các vật dụng, đồ dùng được làm từ những nguyên liệu tái chế để có những tác động tích cực đến cuộc sống của mình và thân thiện với môi trường hơn. Lợi ích cụ thể của tấm lợp này chính là giảm lượng nhiệt hấp thụ bên dưới, dẫn đến giảm tải và tiết kiệm được rất nhiều điện năng phải tiêu thụ để làm mát không khí.

        Khuyến khích tiêu dùng xanh

Phân loại rác thải giúp tăng lượng rác có thể tái chế và tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, làm thế nào để sản phẩm thân thiện với môi trường hay sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường có thể trụ vững trên thị trường thì không thể không cần đến vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng. Đó là thực hiện tiêu dùng xanh.

Đây chính là cách hiệu quả nhất để người dân thực thi quyền người tiêu dùng trong việc cải thiện, bảo vệ môi trường sống của chính mình. Đồng thời, việc tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường góp phần tạo động lực để doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh ngày càng nhiều hơn và thực hiện tốt hơn quy định bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

Để làm được điều này, Ban tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất xanh 2014 đã phối hợp với các siêu thị phát tặng hàng ngàn coupon Giờ Trái đất xanh kết hợp giảm giá sản phẩm trực tiếp nhằm giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận và ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng.

Có thể thấy rằng, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi theo là quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, các nguồn ô nhiễm khí thải phát sinh từ hoạt động công nghiệp, thủ công nghiệp, từ hoạt động giao thông vận tải, từ hoạt động thi công xây dựng, từ đốt các loại chất thải, cũng như từ sinh hoạt của nhân dân, ngày càng lớn, ngày càng phức tạp và độc hại hơn.

Theo PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, việc đẩy mạnh các giải pháp tái chế hay kêu gọi mọi người sống xanh, thực hiện tiêu dùng xanh là những giải pháp quan trọng góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ môi trường.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục