Công khai, minh bạch

Các vụ án tham nhũng thời gian gần đây cho thấy công tác cán bộ bộc lộ nhiều sơ hở. Trách nhiệm cá nhân mới chỉ được nói tới một cách hết sức dè dặt, trong khi đó, vai trò của tập thể lại được đề cao. Cơ chế bổ nhiệm cán bộ còn nhiều tầng nấc và thuộc thẩm quyền của một cơ quan khác. Cấp trưởng có khi không được quyền lựa chọn cấp phó giúp việc cho mình mà phải do cấp trên chọn và bổ nhiệm.

Điều này dẫn đến có những sai phạm của người dưới quyền sẽ khó gắn với trách nhiệm của người lãnh đạo trực tiếp. Trong điều kiện tập thể không phải là chủ thể trong quan hệ pháp luật thì nói tập thể chịu trách nhiệm pháp lý cũng có nghĩa trách nhiệm không thuộc về một ai cả.

Trong khi đó, cơ chế tuyển dụng cán bộ vẫn còn theo hướng tuyển dụng suốt đời. Khi nhân viên đã vào biên chế Nhà nước có nghĩa là yên tâm công tác suốt đời, “đến hẹn lại lên lương”. Muốn sa thải thật sự khó. Hiện nay, chưa có quy định, tiêu chí cụ thể nào về sàng lọc thường xuyên hàng năm để sa thải những cán bộ suy thoái, biến chất, làm việc không hiệu quả, kém chất lượng dẫn đến bộ máy xơ cứng, thiếu năng động sáng tạo, dư thừa những cán bộ không làm được việc.

Tình trạng chạy chức, chạy quyền đã được nhắc đến trong nhiều diễn đàn quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khảo sát, thống kê nào được đưa ra và có câu trả lời thỏa đáng. Trong quản lý cán bộ lại cho thấy sự chồng chéo giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước trong công tác cán bộ. Đến khi có tình huống xảy ra người ta khó có thể biết được chính xác đâu là chủ thể trách nhiệm chính.

Trong bối cảnh hiện nay, việc trao quyền gắn với trách nhiệm cá nhân cần được sớm thực hiện. Mạnh dạn trao quyền tuyển dụng, đề bạt cán bộ dưới quyền cho chính người lãnh đạo trực tiếp để buộc họ phải chịu trách nhiệm cao nhất về các quyết định của mình, nếu họ làm sai thì cơ quan cấp trên sẽ kỷ luật hoặc cách chức. Nhưng khi giao quyền thì phải có cơ quan khác giám sát, kiểm soát quyền lực được giao.

Xây dựng nét văn hóa từ chức khi không còn tín nhiệm trong tập thể hoặc không hoàn thành nhiệm vụ hoặc sai phạm. Cần thay đổi hình thức tuyển chọn cán bộ, tạo cơ chế tuyển dụng theo nguyên tắc “mở” và cạnh tranh công khai, minh bạch sẽ góp phần giảm tiêu cực trong xã hội.

Minh bạch hóa việc bầu cử, bổ nhiệm là điều kiện để nhân dân có thể tham gia vào công tác xây dựng Đảng, cụ thể là việc giám sát quyền lực, các điều kiện, tiêu chuẩn phải được lượng hóa rõ ràng, tránh tình trạng chung chung “hiểu thế nào cũng được”, bằng cấp chỉ là điều kiện “cần”, điều kiện “đủ” phải là vận dụng các lý thuyết được đào tạo vào thực tiễn có hiệu quả. Mỗi vị trí bầu cử, bổ nhiệm cần có số dư để lựa chọn, có cạnh tranh bình đẳng, đúng pháp luật, mỗi người phải chuẩn bị và tự trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu cử, bổ nhiệm.

PHẠM ĐÌNH LƯƠNG
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM

Tin cùng chuyên mục