Công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam vẫn manh mún và thiếu khả năng cạnh tranh

Công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam vẫn manh mún và thiếu khả năng cạnh tranh

 (SGGPO).- Sáng nay, 3-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Bộ TT-TT đã tổ chức Hội nghị Quốc gia về CNTT-TT Việt Nam năm 2010 với chủ đề “Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị trong các cơ quan chính phủ và triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá” do Bộ Chính trị ban hành ngày 17-10-2000 do GS.TSKH Đỗ Trung Tá - Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, nhiệm vụ phát triển công nghiệp CNTT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tăng trưởng doanh thu bình quân toàn ngành công nghiệp CNTT trong giai đoạn 2001-2009 đạt 20-25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng bình quân GDP của cả nước.

Đến cuối năm 2009, doanh thu công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số đã đạt trên 1,5 tỷ USD, doanh thu công nghiệp phần cứng đạt trên 4,6 tỷ USD, doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 6,9 tỷ USD, đưa tổng doanh thu toàn ngành viễn thông và công nghiệp CNTT đạt trên 13 tỷ USD, gấp 15 lần so với năm 2000, đóng góp khoảng 6,7% tổng GDP của cả nước. Dự kiến năm 2010 đạt trên 16 tỷ USD.

Đã hình thành ngành công nghiệp phần mềm với tốc độ phát triển cao, bình quân 33% năm, với các hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm được ghi nhận trong số 20 nước đứng đầu trên thế giới. Công nghiệp phần cứng, điện tử phát triển nhanh về quy mô, đã thu hút các tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới đầu tư trực tiếp, đồng thời xuất hiện nhiều công ty trong nước lắp ráp máy tính chất lượng, có thương hiệu và đã khẳng định được ở thị trường nội địa.

Các dự án đầu tư lớn của nước ngoài vào Việt Nam mà điển hình là dự án của Intel tại thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn cam kết đầu tư 1 tỷ USD, hay dự án đầu tư của Samsung Electronics tại Bắc Ninh, dự án đầu tư của Canon, Fujitsu ở Hà Nội, Đồng Nai,... đã nâng cao độ hấp dẫn của thị trường CNTT Việt Nam.

Công nghiệp nội dung số mặc dù mới bước đầu hình thành nhưng có tốc độ tăng trưởng rất cao, trên 50% hàng năm, đem lại nguồn doanh thu đáng khích lệ là 690 triệu USD trong năm 2009. Hiện cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp phần mềm, tăng gần 6 lần trong 10 năm qua, với tổng nhân lực trên 64.000 người. Nếu năm 2000 không có doanh nghiệp phần mềm nào có số nhân lực vượt quá 100 người, thì đến nay đã có 4 doanh nghiệp phát triển phần mềm và dịch vụ với số nhân lực vượt quá 1.000 người, trong đó đặc biệt là FPT có số nhân lực phần mềm đạt trên 3 ngàn người. Doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ phần mềm năm 2009 đạt 850 triệu đô la, gấp 17 lần so với năm 2000, và hầu như tất cả doanh thu này thuộc giá trị gia tăng trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Trung Tá, một số hạn chế trong phát triển công nghiệp CNTT đã bộc lộ tương đối rõ như: Quy mô phát triển của toàn ngành nhỏ, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn yếu. Công nghiệp phần mềm mặc dầu phát triển nhanh, nhưng còn khá manh mún, thiếu tập trung nguồn lực, năng lực nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này chưa cao, đội ngũ nhân lực cho công nghiệp phần mềm còn thiếu về số lượng và yếu về các kỹ năng chuyên sâu cũng như ngoại ngữ. Công nghiệp phần cứng, điện tử nặng về lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá và hàm lượng giá trị gia tăng đem lại không cao, chỉ chiếm khoảng hơn 10% tổng doanh thu. Chỉ thị 58 đặt ra yêu cần “Tập trung đầu tư, có chính sách và giải pháp đặc biệt để đảm bảo cho các khu công nghệ cao,... trong đó chú trọng ưu tiên các khu công nghiệp công nghệ phần mềm”. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài điểm sáng là Khu công viên phần mềm Quang Trung 5 tại TPHCM, Việt Nam vẫn chưa thực sự hình thành được các khu CNTT tập trung mạnh, có quy mô lớn. Công nghiệp nội dung số và công nghiệp dịch vụ tuy có sự bùng nổ, tốc độ phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn còn mang tính sơ khai, hành lang pháp lý điều chỉnh còn thiếu dẫn đến hoạt động lúng túng và có thể giảm sút nếu thiếu sự đồng bộ và nhất quán giữa chính sách quản lý và chiến lược phát triển.

Tin, ảnh: TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục