Công nghiệp phụ trợ tại SHTP: Chờ doanh nghiệp Việt

Công nghiệp phụ trợ tại SHTP: Chờ doanh nghiệp Việt

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP) phối hợp với Công ty TNHH Intel Việt Nam (Intel) vừa tổ chức hội nghị tìm nhà cung ứng nội địa. Đây là một phần của chương trình hợp tác giữa SHTP và Intel về phát triển chuỗi cung ứng nội địa cho Intel, phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao của SHTP.

Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Định vị tiêu chuẩn sản phẩm

“Trong số 55 doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, sản phẩm phụ trợ cho Nhà máy Intel Việt Nam (đóng tại Khu công nghệ cao TPHCM) có rất ít đối tác là doanh nghiệp Việt Nam”, bà Nguyễn Hoài Hương, Giám đốc thu mua nguyên vật liệu Nhà máy Intel Việt Nam cho biết như vậy tại hội nghị.

Qua hội nghị này, phía Intel cũng mong muốn được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp nguyên liệu, sản phẩm phụ trợ cho Nhà máy Intel Việt Nam, qua đó Intel Việt Nam cũng đưa ra 7 yêu cầu với nhà cung cấp nguyên liệu, sản phẩm phụ trợ cho nhà máy với những tiêu chí rõ ràng và đòi hỏi khắt khe, như chất lượng nguyên liệu, sản phẩm phụ trợ phải qua hệ thống kiểm soát chất lượng và đáp ứng những chỉ số chất lượng mà Intel đề ra; hay doanh nghiệp cung cấp phải thể hiện tính sẵn có, tức đảm bảo cung ứng liên tục nguyên liệu, sản phẩm phụ trợ… bất kể những lý do khách quan.

Trong khi đó, theo ông Võ Anh Tuấn, Phó ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, nhu cầu về sản phẩm linh kiện, phụ kiện để nội địa hóa sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao rất nhiều, nhưng phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu nhập khẩu vì doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng. Chính vì thế  SHTP đề ra kỳ vọng, đây cơ hội để doanh nghiệp trong nước định vị được các tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ mà Intel cũng như các nhà đầu tư khác đang đòi hỏi để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao. Tuy nhiên, chủ đề chính của hội nghị nói trên là tìm nhà cung ứng sản phẩm nội địa và dịch vụ hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn nên phần nào đó cũng giới hạn doanh nghiệp Việt tham gia.

Mời gọi doanh nghiệp Việt

Có lẽ hướng đi phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại SHTP lấy Intel làm lõi nên trước đây SHTP đã  ký bản ghi nhớ với Intel Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ công nghệ cao. Theo bản ghi nhớ, Intel cam kết sẽ giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước… Ngoài ra, Intel Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ SHTP thành lập một trung tâm kiểm định tại TPHCM trong vòng 3 năm tới để đánh giá chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp có tiềm năng, trở thành nhà cung ứng cho Intel. Được biết trong giai đoạn 2 phát triển Khu Công nghệ cao, thành phố đã dành khoảng 14,5ha để mời gọi các doanh nghiệp là nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện sản phẩm công nghệ cao vào đây sản xuất. Dự kiến đến đầu năm 2012, SHTP có thể giao đất cho các nhà phát triển công nghiệp phụ trợ để sản xuất.

Đến nay, SHTP đã thu hút được 52 dự án đầu tư, với tổng số vốn đầu tư cam kết gần 2 tỷ USD, trong đó có 25 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tuyển dụng hơn 11.000 lao động và tạo ra doanh thu xuất khẩu gần 1,2 tỷ USD (tính đến tháng 4-2011).

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư và Quan hệ quốc tế của Khu Công nghệ cao TPHCM, lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ là ngoài việc được tiếp cận với khách hàng là nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại chỗ, còn có một lợi thế khác là giá đất cho thuê tại SHTP thấp hơn so với đất thuê ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như bên ngoài tại TPHCM. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghệ cao có thể tiếp cận được nguồn vốn phát triển công nghệ của thành phố.

Song song với việc quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tại chỗ, SHTP cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp trong khu tìm kiếm các nhà cung ứng trong và ngoài nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tại Việt Nam. SHTP càng thể hiện rõ chủ ý mời gọi doanh nghiệp Việt khi trong giai đoạn 2, SHTP sẽ tập trung thu hút doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo và ươm tạo khoa học công nghệ. “Với chiến lược thu hút đầu tư này, chúng tôi muốn đi “hai chân”, vì ở giai đoạn 1, tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào SHTP đều của nước ngoài như Intel, Nidec… nên việc tập trung thu hút doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn này sẽ tạo thế cân bằng trong việc phát triển SHTP.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục