Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” không phải mới có. Từ lâu, rất nhiều quốc gia đã có ý thức sâu sắc về thế mạnh và lợi ích của ngành công nghiệp này. Ở châu Á, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và mới đây là Trung Quốc đã đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa và họ đã thu được rất nhiều lợi ích.
Có thể khẳng định, việc xuất khẩu những sản phẩm văn hóa đặc biệt là điện ảnh, ca nhạc, du lịch, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia. Truyện tranh Nhật Bản, phim lịch sử Trung Quốc, phim võ hiệp kỳ tình Hồng Công (Trung Quốc), phim tình cảm đương đại Hàn Quốc, phim hành động Mỹ đã tác động như thế nào đối với người dân Việt Nam ta, ai cũng biết. Sức thuyết phục của văn hóa không chỉ dừng lại ở sự ưa thích. Nó tác động rất nhiều đến lối sống và cách ứng xử thường ngày.
Ở Việt Nam, có một số bạn trẻ hiểu lịch sử Trung Quốc hơn cả lịch sử nước nhà, coi các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc là thần tượng. Mốt Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở thời trang, còn mở rộng đến chuyện ăn uống và tiêu thụ hàng hóa. Người ta nói rằng trong “quyền lực mềm” sản phẩm văn hóa là một động lực chính tạo nên sức mạnh.
Thực ra, vấn đề xây dựng nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã được xem xét bàn luận từ lâu và liên tục được đề cập tới trong các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Sở dĩ cho đến nay chưa hiện thực hóa được, theo chúng tôi, có lẽ chúng ta còn lúng túng chưa biết đột phá từ đâu, bắt đầu từ cái gì?
Tiềm lực văn hóa Việt Nam rất to lớn. Chúng ta có lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước oai hùng chấn động địa cầu. Chúng ta có một nền văn hóa phong phú đặc sắc của nhiều dân tộc. Chúng ta có rất nhiều danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa được thế giới công nhận tôn vinh. Vị thế của nước ta luôn được nâng cao. Tuy nhiên, tiềm lực to lớn ấy, cho đến nay vẫn chủ yếu tồn tại như một dạng tài nguyên tiềm tàng chưa được khai thác hoặc nếu có mới chỉ ở dạng “xuất khẩu thô”.
Đã đến lúc chúng ta phải đưa chiến lược công nghiệp văn hóa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển công nghiệp văn hóa để phát triển kinh tế và quan trọng hơn là để tạo ra giá trị văn hóa Việt Nam. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, khâu đột phá để xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam, theo chúng tôi nghĩ là ngành điện ảnh và hệ thống truyền thông.
Cho đến nay, vấn đề chiến tranh và lịch sử dựng nước, giữ nước ở Việt Nam luôn được thế giới quan tâm, nghiên cứu. Tại sao chúng ta không dồn sức đầu tư cho phim lịch sử, cho những báo điện tử chuyên về văn hóa? Tất nhiên vấn đề căn bản, nền tảng cho công nghiệp văn hóa vẫn là vấn đề nhân lực. Không thể có công nghiệp văn hóa nếu không có một đội ngũ làm văn hóa chuyên nghiệp. Lấy điện ảnh là một ví dụ. Do đội ngũ đạo diễn, biên kịch của chúng ta còn mỏng nên những năm qua, chúng ta đã sản xuất nhiều phim về lịch sử nhưng chất lượng còn thấp. Tiêu thụ trong nước đã khó, làm sao xuất khẩu được.
Nói tóm lại, muốn không bị tụt hậu, nhất thiết phải xây dựng cho được công nghiệp văn hóa. Nhà nước phải sớm có một chiến lược quốc gia về vấn đề này.
Trần Văn